• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề về quản lý chất thải nhựa do đại dịch Covid-19 theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn

    Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội và môi trường. Nó là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây và đang làm trật tự thế giới có nhiều thay đổi. Ở góc độ môi trường, COVID19 tác động lớn đến quản lý chất thải nhựa vốn là mối nguy hại đối với môi trường, làm gia tăng lượng nhựa được tiêu dùng, và tác động lớn lên việc tái chế và xử lý chất thải nhựa. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp dựa trên các công trình đã được công bố về ảnh hưởng của COVID-19 đối với vấn đề về quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng theo các tiếp cận của kinh tế tuần hoàn. Tham luận sẽ trình bày rõ các tác động của COVID-19 đối với quản lý chất thải nhựa và vấn đề đặt ra theo cách tiếp cận lý thuyết kinh tế tuần hoàn thông qua tổng hợp các nghiên cứu đã có; đồng thời đặt ra một số vấn đề đối với việc quản lý rác thải nhựa theo kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh sống chung với đại dịch Covid-19.

1. Giới thiệu

     Trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng được quan tâm. Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu, ước tính khoảng 8,3 tỷ sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018; khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp[1]. Vì thế, các quốc gia đang có cách tiếp cận mới theo kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhựa, mà EMF (2018) gọi là nền kinh tế nhựa mới. Tuy nhiên, cách tiếp cận vòng tròn trong quản lý nhựa này bị thay đổi đáng kể do cú sốc từ đại dịch toàn cầu.

     Đầu năm 2020, thế giới chứng kiến đại dịch do coronavirus mới năm 2019 (COVID-19) gây ra. Ngày 20 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 là đại dịch đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ một mà hầu hết các quốc gia trên thế giới và không thể dự đoán được khi nào đại dịch có thể được kiểm soát. Tính đến ngày 30/09/2020, thế giới đã ghi nhận 33.832.711 trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch). Đến nay, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.406.146 ca nhiễm và 210.785 ca tử vong[2]. Tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 1.094 ca bệnh COVID-19, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong cách tiếp cận và hiệu quả phòng chống đại dịch COVID-19 với chi phí thấp. Con số này cho thấy tác hại nghiêm trọng và mức độ nguy hiểm của đại dịch. Vi rút COVID-19 nguy hiểm do lây lan nhanh và hiện tại không có vắc-xin. Phòng ngừa lây nhiễm hiện nay là một biện pháp về kiểm soát thích hợp và được thực hiện bằng cách: hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tiếp xúc bề mặt; ngăn ngừa lây nhiễm khi tiếp xúc. Theo đó, nhu cầu sử dụng nhựa một lần và mức độ tiêu thụ tăng lên nhanh chóng theo số lượng ca nhiễm COVID-19. Sự gia tăng chất thải nhựa này tạo nên áp lực và sự cấp thiết trong vấn đề quản lý chất thải nhựa sau đại dịch đối với chính quyền các quốc gia để làm sao quản lý vừa đảm bảo được sự an toàn, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững. Từ đây, tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa cần được đánh giá và nhìn nhận phù hợp để có được một mô hình quản lý đạt hiệu quả về phòng chống lây nhiễm, bảo vệ môi trường, và hiệu quả kinh tế.

2. Tổng quan tài liệu

     Có nhiều nghiên cứu về vấn đề quản lý chất thải và chất nhựa. Nhìn chung, các nghiên cứu đã cho thấy mô hình quản lý chất thải nhựa đang chuyển từ mô hình gần với tuyến tính (dòng nhựa đi 1 chiều từ sản xuất đến tiêu dùng và thải bỏ) sang mô hình tuần hoàn (dòng nhựa đi tuần hoàn, mọi vật chất và năng lượng được tận thu, rác thải nhựa được hạn chế ở mức tối đa). Mặc dù hiện tại, quản lý nhựa theo chiều tuyến tính vẫn còn phổ biến (ví dụ của Yeboah, A.B., và Odei, S., 2019) nhưng việc quản lý này cũng đang dần chuyển sang tăng cường tái chế (ví dụ của Putri, A.R., 2018) và tuần hoàn hơn (ví dụ của Mastellone, 2020; Dijkastra và nhóm cộng sự, 2020; Robaina và cộng sự, 2020; Leslie và cộng sự, 2016; Aryan và Samadder, 2019). Trong kinh tế tuần hoàn, khái niệm chất thải bị lu mờ, do đó EMF đã đặt ra vấn đề của kinh tế nhựa mới theo cách tiếp cận tuần hoàn (EMF, 2016, 2018) thay vì cách đặt vấn đề quản lý chất thải nhựa như trước đây. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 có tác động lớn đến các vấn đề môi trường nói chung cũng như vấn đề quản lý chất thải nhựa xuất hiện nhiều các vấn đề mới phát sinh ảnh hưởng đến chuyển dịch trước đó. Thực tế, có khá nhiều nghiên cứu đề cập đến tác động ngắn hạn và trung hạn của COVID-19 đến môi trường (Ana và cộng sự, 2020); đánh giá dòng chất thải lây nhiễm do đại dịch (Florin, 2020); quản lý chất thải nói chung (Sarkodie, S.A., và Owusu, P.A., 2020; Tudball, 2020); khó khăn đối với quản lý nhựa ở cấp độ vi mô hộ gia đình và chính quyền (Murugesh, 2020); vấn đề quản lý chất thải y tế ở tâm dịch (Yang và cộng sự, 2020; vấn đề tái chế (B.I.R, 2020) và các vấn đề đặt ra đối với quản lý chất thải nhựa trong tương lai (Vanapalli và cộng sự, 2020).

     Nhìn chung, các nghiên cứu về quản lý chất thải nhựa sau đại dịch COVID-19 đều tập trung tìm hiểu về những tác động của COVID-19 đối với chất thải nhựa, những thách thức mà chính quyền cũng như người dân đang gặp phải và chỉ ra những hướng cần thực hiện trong tương lai để việc quản lý chất thải trở nên tốt hơn tuy nhiên đặt vấn đề này trong mối quan hệ với lý thuyết kinh tế tuần hoàn thì còn ít.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Tình hình Covid-19 và biện pháp phòng chống

     Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là vi rút SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào 29 tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc. Các nghiên cứu y khoa và khuyến cáo của các tổ chức Y tế cho biết Vi rút COVID-19 gây ra bệnh viêm phổi và có thể lây lan trong thời gian ủ bệnh khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết của người bệnh thông qua các bề mặt tiếp xúc. Cơ bản nó có thể lây lan qua giọt bắn, đường hô hấp, đường miệng, và phân của người nhiễm vi rút có hoặc không có triệu trứng nhiễm bệnh. Do đó, nó có khả năng lây lan nhanh chóng và trở thành đại dịch toàn cầu (xem bảng 1). Chỉ khoảng 2 tháng sau khi có những ca mắc đầu tiên[3], Vũ Hán tiến hành phong tỏa toàn thành phố (23/01/2020). Dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh sang các quốc gia châu Á khác và sang Châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Đến 1/2/2020 WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp.

Bảng 1:  Số ca nhiễm Covid 19 và số lượng các quốc gia vực theo tháng[4]

 

Tháng 2

Tháng 3

Tháng 4

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

Tháng 8

Tháng 9

Số người mắc

85,212

72,133

3,216,353

6,058,922

10,402,389

17,211,195

25,187,740

33,832,711

Số quốc gia

61

200

210

213

215

215

215

215

 

     Để đối phó với tốc độ lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm, các biện pháp bảo vệ đã được thực hiện bao gồm: sử dụng đồ bảo hộ cá nhân và giãn cách xã hội.

     Đồ bảo hộ cá nhân dành cho nhân viên y tế, người bệnh và người có nguy cơ lây nhiễm trong khu vực có dịch. Đồ bảo hộ cá nhân gồm: khẩu trang, kính, tấm nhựa chắn giọt bắn, áo bảo hộ, găng tay, ủng. Để đảm bảo ngăn chặn sự tiếp xúc, các đồ bảo hộ đều được sản xuất từ nhựa và phần lớn được sử dụng 1 lần. Do sự thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ cá nhân mà một số ý kiến đưa ra quy trình hướng dẫn sử dụng và tái sử dụng các đồ bảo hộ[5] cũng như sáng kiến sử dụng tấm chắn nhựa thay cho kính (Khan, M.M. and Parab, S.R., 2020) sử dụng hiệu quả hơn đồ bảo hộ trong phòng chống dịch.

     Quyết định giãn cách xã hội yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Lệnh phong tỏa thành phố, cụm dân cư bắt buộc đóng cửa đối với gần như mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ. Người dân được yêu cầu ở nhà, không được ra xa khỏi nhà. Một số trường hợp ra ngoài phải có lí do. Các chính sách này phụ thuộc vào chính quyền thành phố. Tuy nhiên, giãn cách xã hội khiến người dân ở nhà nhiều hơn, tiêu dùng online nhiều hơn, sử dụng dịch vụ giao hàng nhiều hơn và xả rác nhiều hơn. Ngoài ra, việc giãn cách xã hội, gia tăng nhu cầu sử dụng đồ nhựa một lần do nhu cầu ăn uống tiêu dùng đồ ăn nhanh, hơn thế nữa, các quán hàng đóng cửa việc sử dụng các dịch vụ đều thông qua chuyển phát, sử dụng thực phẩm tại nhà tăng lượng chất nhựa dùng trong đóng gói.

Ảnh hưởng của COVID-19 đối với quản lý chất thải nhựa

     Đại dịch COVID có tác động lớn đối với quản lý chất thải nhựa, làm thay đổi toàn bộ đường đi của chất thải nhựa bao gồm: thời gian và tần suất thải bỏ; thành phần chất thải; lượng chất thải; rủi ro an toàn và truyền nhiễm của chất thải; phân loại chất thải (Fan, Y.V. và cộng sự, 2020). Phần này sẽ xem xét 2 ảnh hưởng nổi bật bao gồm gia tăng lượng rác thải chứa nhựa và xu hướng giảm tái chế tái sử dụng.

Gia tăng rác thải nhựa y tế

      Nhựa là một trong những thành phần quan trọng không thể thiếu của thiết bị y tế và đồ bảo hộ, tuy nhiên, nhựa hỗn hợp với nhiều lớp nhựa kết hợp với các vật liệu khác như khẩu trang sử dụng một lần cũng gây ra mối đe dọa lớn đối với môi trường do khả năng tái chế thấp (Tenenbaum, 2020). Do sự bùng phát của bệnh truyền nhiễm COVID-19 mà lượng chất nhựa bảo hộ cá nhân sử dụng 1 lần tăng đáng kể do: tăng lên về số lượng thiết bị bảo hộ; và được sử dụng nhiều hơn trong các cơ sở y tế và lĩnh vực khác. Sự gia tăng đáng kể việc sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang và áo choàng của các nhân viên y tế tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa (WHO, 2016). Trong đợt bùng phát COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, rác thải y tế (có tỷ lệ đáng kể là nhựa) đã tăng 340% từ 40 tấn mỗi ngày lên 240 tấn mỗi ngày (Klemes và cộng sự, 2020); tại Vũ Hán rác thải y tế đầu người tăng từ 3,64 kg/ngày lên 27,32 kg/ngày (Yang và cộng sự, 2020).

      Hơn nữa, để đối mặt với đại dịch Covid, ngoài các trang thiết bị thông thường trước đây còn xuất hiện thêm tấm chắn nhựa trong. Các vật dụng này không chỉ được dùng chủ yếu cho y tá và bác sỹ như trước kia mà còn được sử dụng cho bệnh nhân và người nghi nhiễm cũng như những người chuyên trở và phục vụ người bệnh và người nghi nghiễm COVID-19 như: lái xe cấp cứu, nhân viên hàng không, người phục vụ hậu sự cho các trường hợp tử vong.

     Không chỉ thế, đối với các quốc gia thực hiện truy vết và giãn cách xã hội nghiêm ngặt như Việt Nam, đồ bảo hộ còn dùng nhiều trong chuyên trở người hồi hương và tại các cơ sở cách ly tập trung. Ước tính, COVID-19 đã khiến toàn cầu sử dụng 129 tỷ mặt nạ và 65 tỷ găng tay mỗi tháng (Ford, D. 2020).

      Bên cạnh đó, các thiết bị bảo hộ được sử dụng bởi nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm bệnh trong xe cấp cứu bao gồm mũ trùm đầu, khẩu trang, găng tay, áo choàng, trong quá trình chuyển đến cơ sở y tế là mối quy hại thường được thải bỏ sau vận chuyển (Higginson và cộng sự, 2020) hoặc nếu không, phải được khử trùng đúng cách (Shah và cộng sự, 2020). Đây là nguồn chất thải lớn cho môi trường cần có giải pháp hợp lý hơn. Báo cáo của Italy WWF (2020), cho biết, “nếu chỉ 1% khẩu trang được xử lý không đúng cách và phân tán trong tự nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc ô nhiễm môi trường lên tới 10 triệu khẩu trang mỗi tháng”. Các chuyên gia cho rằng, khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc được làm từ nhiều lớp polyme khác nhau, khiến chúng khó tái chế hơn nhiều (Monella, 2020).

     Mặt khác, việc tạo ra chất thải y sinh gia tăng từ các nghiên cứu và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong đó có một tỷ lệ đáng kể nhựa cũng góp phần vào vấn đề này.

     Cuối cùng là việc bệnh nhân sử dụng thuốc ngày càng nhiều, mua thuốc tự do (theo thống kê đơn thuốc), nhu cầu tăng cao đối với các loại thuốc tăng cường miễn dịch phổ biến cũng có thể làm tăng phát sinh chất thải bao bì dược phẩm như vỉ thuốc, chai lọ, v.v. từ bệnh viện và hộ gia đình. Điều này được hiểu ở đây là những chất thải nhựa lây nhiễm được tạo ra từ bệnh viện và các cơ sở chăm sóc gia đình cần được thu gom, xử lý và thải bỏ theo các quy tắc quản lý chất thải y sinh, thường là quy định của quốc gia (WHO, 2020).

3.2.2. Gia tăng rác thải nhựa ở các ngành dịch vụ khác

     Ngoài chất thải được tạo ra do việc tăng cường sử dụng các thiết bị bảo hộ thông thường, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm đóng gói bằng nhựa bao gồm dược phẩm, dịch vụ giao hàng trực tuyến thực phẩm và hàng tạp hóa có thể được coi là những nguồn chất thải nhựa chính trong đại dịch.

     Thay đổi về hành vi của người tiêu dùng có thể thúc đẩy việc sử dụng và thải bỏ nhựa dùng một lần gia tăng, góp phần vào vấn đề rác thải nhựa toàn cầu (Klemes và cộng sự, 2020). Do tâm lý tiêu dùng hoảng loạn và tích trữ đồ dùng thiết yếu khi chính quyền thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, làm gia tăng sản xuất và tiêu thụ nhựa (Sarkodie, S.A., and Owusu, P.A., 2020).

    Ford cho rằng, do khủng hoảng kinh tế từ đại dịch mà người tiêu dùng quan tâm đến tài chính hơn là các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm đóng gói bằng nhựa với giá thành rẻ hơn so với việc lựa chọn sản phẩm đóng bằng bao bì. Theo ước tính dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến trên 1.110 người được hỏi, các hộ gia đình Singapore đã sản xuất thêm 1.334 tấn rác thải nhựa (ví dụ như dĩa, hộp đựng và thìa dùng một lần) trong thời kỳ giãn cách xã hội và tỷ lệ cung cấp bữa ăn đến tận nơi người dùng ước tính đã tăng 73% trong 8 tuần (Low và Koh, 2020). Ngoài ra, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tăng lên cũng tiềm ẩn việc tiêu thụ lớn hơn lượng bao bì đóng gói cho quá trình vận chuyển[6]. Số liệu thống kê ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, khuynh hướng sử dụng lại đồ nhựa dùng một lần khi áp đặt lệnh phong tỏa (tháng 3 năm 2020). Cụ thể, lượng rác thải từ nhựa dùng 1 lần trước khi thực hiện lệnh phong tỏa (tháng 3) là 5.000 tấn/ngày tăng lên 6.300 tấn/ngày[7] trong tháng 4. Riêng Thái Lan, sau 1 tháng áp dụng lệnh phong tỏa, lượng rác thải nhựa dùng 1 lần tăng thêm 1.285 tấn/ngày. Đây là mức tăng cao đáng kể so với khu vực Đông Nam Á.

3.2.3. Giảm tái chế và tái sử dụng

    Sự xuất hiện của vi rút COVID-19 có ảnh hưởng lớn đến việc tái sử dụng, tái chế nhựa ở cấp độ vi mô hộ gia đình, cấp độ địa phương, giữa các quốc gia và toàn cầu.

    Trước khi có sự xuất hiện của COVID-19 trên lãnh thổ, các quốc gia trên thế giới có phương án thu gom và xử lý rác thải khác nhau nhưng về cơ bản đi theo chu trình tuyến tính và đang dần chuyển hướng sang chu trình tuần hoàn. Do nhiều hiểu biết về sự lan truyền COVID-19 qua các bề mặt chưa được khẳng định và được khuyến cáo rõ ràng, nên các sản phẩm nói riêng và dòng vật chất chuyển động trong thời kỳ này phần lớn 1 chiều theo đường tuyến tính. WHO và các cơ quan y tế khyến cáo thường xuyên rửa tay sát khuẩn và dùng xà phòng rửa tay cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ tiếp xúc vi rút ở các bề mặt tiếp xúc khá cao. Chính điều này mà phần lớn các sản phẩm đã qua sử dụng không được giữ lại cho mục đích tái sử dụng hay tái chế, mà thay vào đó, chuyển thẳng sang rác thải. Thậm chí giai đoạn này, ở một số quốc gia, tất cả rác thải đô thị thu gom được đưa đi đốt hoặc chôn lấp hợp vệ sinh mà không qua quá trình phân loại và tái chế (ADB, 2020). Đặc biệt, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt thu gom tại khu vực có người nhiễm covid, trong các khu cách ly y tế được thu gom và xử lý như rác thải y tế (Việt Nam) (Tùng Giang và Phạm Đông, 2020)[1]; Yang, 2020), hay xử lý như rác thải nguy hại (Romani) (Mihai, F.C., 2020). Quy trình quản lý chất thải rắn đô thị cũng được phân thành 2 luồng rõ rệt: rác thải hộ gia đình có người mắc COVID-19 được chuyển xử lý riêng không qua phân loại, tái chế; rác thải sinh hoạt còn lại được xử lý bình thường (ARC+, 2020[2]). Như vậy, về tổng thể một phần lớn lượng rác thải không được phân loại, thu gom vật liệu tái chế tại nguồn mà bị chuyển toàn bộ đi xử lý. Điều này ảnh hưởng lớn đến ngành tái chế mới nổi hiện nay.

     Trước gánh nặng của chi phí y tế và trợ cấp thất nghiệp, nhiều chính quyền bang đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tái chế: Peoria, Illinois, Omaha và New Orleans của Hoa Kỳ (Ford, D. 2020). Trong phạm vi giữa quốc gia, việc thực hiện lệnh đóng cửa biên giới khiến ngưng trệ hàng hóa là nguyên liệu cho ngành tái chế có thể nhập khẩu nên khiến cho công nghiệp tái chế bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, về tổng thể, dòng vật chất đi theo 1 chiều, không được tái sinh lãng phí tài nguyên. Điều này đặt ra yêu cầu đối với việc quản lý tốt hơn nguồn vật chất này dựa vào các bằng chứng về sự tồn tại của vi rút trên các loại bề mặt và trên các môi trường khác nhau.

3.3. Kinh tế nhựa tuần hoàn trong thời kỳ COVID-19

    Mô hình kinh tế nhựa tiếp cận theo hướng kinh tế tuần hoàn (UNEP, 2018; Dijkastra và cộng sự, 2020) thiết lập nền kinh tế cho nhựa thông qua việc tập trung vào 3 quá trình: giảm thiểu các sản phẩm nhựa không cần thiết; tái thiết kế sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng, tái chế một cách an toàn; tuần hoàn mọi thứ có thể giữ lại trong nền kinh tế. Các quá trình này bao gồm toàn bộ chu trình sống của một sản phẩm nhựa từ việc chuẩn bị sản xuất, sản xuất, sử dụng, thải bỏ và chuẩn bị cho một chu trình sống mới sử dụng lại, sản xuất lại và tiếp tục được tiêu dùng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tính lặp lại và tái thiết này của kinh tế nhựa tiếp cận theo kinh tế tuần hoàn bị ảnh hưởng đáng kể với sự xuất hiện của vi rút Covid-19. Ở giai đoạn đầu của đại dịch, nhân loại chưa có nhiều hiểu biết về sự lây truyền, sự tồn tại của vi rút trên các bề mặt và thời gian sống của chúng trong các môi trường khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc không chắc chắn về việc vi rút tồn tại ở đâu xung quanh con người và việc cần làm là loại bỏ mọi vật chất có khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Chính bởi thế, ở thời kì Covid-19, dòng vật chất được yêu cầu đi theo đường tuyến tính để kiểm soát tốt nhất khả năng lây truyền của đại dịch sang các vật chủ mới như đã phân tích ở các phần trên. Đây là mấu chốt tạo nên sự xung đột trong luân chuyển dòng vật chất từ một phía yêu cầu sự quay vòng tiếp nối với một phía yêu cầu đi theo đường thẳng. Rõ ràng, COVID-19 như một cú hích lớn khiến cho vòng tuần hoàn của kinh tế nhựa mới bị thu hẹp và chững lại (Bảng 2).

Bảng 2: Ảnh hưởng của COVID-19 đến quản lý nhựa tuần hoàn

Stt

Quản lý nhựa tuần hoàn

Ảnh hưởng của Covid-19

1

Giảm thiểu các sản phẩm nhựa

Tăng sử dụng sản phẩm có nhựa trong y tế, sinh hoạt, bảo hộ cá nhân

2

Tái thiết kế sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng, tái chế một cách an toàn

Giảm tái chế, tái sử dụng

3

Tuần hoàn vật chất và năng lượng có thể giữ lại trong nền kinh tế

Tăng lượng chất thải trôn lấp, đốt không qua quá trình phân loại và thu hồi vật chất và năng lượng

 

                                                                         Nguồn: Nhóm tác giả.

     Bên cạnh sự xung đột rất rõ ràng từ đại dịch đối với kinh tế nhựa tuần hoàn thì giữa chúng cũng xuất hiện điểm chung về tính tại chỗ. Kinh tế nhựa và quản lý vật chất theo kinh tế tuần hoàn ở phạm vi hẹp là tính quay vòng vật chất tại chỗ ít phụ thuộc, càng mở rộng ra theo phạm vi không gian, luân chuyển khối lượng hàng hóa càng lớn, tính chuyên môn hóa cao hơn và sự phụ thuộc giữa các vùng lãnh thổ và quốc gia lớn hơn. Trong khi đó, việc phòng chống đại dịch đã phải thiết lập các điểm cách ly tại nhà, cụm cách ly cộng đồng, vùng cách ly (tỉnh, quốc gia) và yêu cầu giãn cách xã hội đã bắt buộc các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, tăng tính tự chủ trong phạm vi lãnh thổ và vùng cách ly.

Kết luận và thảo luận

     COVID-19 có tác động to lớn đến mọi mặt, trong đó có quản lý chất thải theo vòng tuần hoàn của lý thuyết nền kinh tế tuần hoàn hay chính là kinh tế nhựa mới còn non trẻ. COVID-19 đặt ra một số vấn đề cho việc quản lý nhựa bền vững do: i) lượng nhựa được sử dụng tăng lên nhanh chóng; ii) quá trình tái chế, tái sử dụng bị thu hẹp. Đối với quản lý nhựa bền vững trước việc gia tăng nhanh chóng đồ bảo hộ cá nhân và đồ bảo hộ y tế cần phải:

    Thứ nhất, nghiên cứu về sự tồn tại của vi rút và các khuyến cáo mới nhất về việc xử lý, phân loại đồ bảo hộ cá nhân dựa trên bằng chứng khoa học để có thể: tái sử dụng nhiều nhất, phân loại tối đa, xử lý tốt nhất, tái chế nhiều nhất.

    Thứ hai, tăng cường trao đổi hàng hóa là nguyên liệu tái chế bằng cách: tăng thời gian lưu kho của hàng hóa xuất nhập khẩu dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học về thời gian tồn tại của vi rút trên các bề mặt và giữa các môi trường khác nhau.

     Các rủi ro về dịch bệnh, khí hậu, môi trường trong tương lai là khó có thể lường trước. Cú sốc từ đại dịch COVID-19 vẫn còn đang hiển hiện và cần có phương án thích ứng cho hiện tại và chuẩn bị cho những cú sốc trong tương lại. Tài nguyên hay mối nguy hiểm phụ thuộc vào giới hạn nhận thức và hiểu biết của con người ở thời điểm hiện tại. Mô hình quản lý ưu việt nhất là mô hình gần nhất với quy luật vận động vật chất của tự nhiên.

     Bài viết này dựa trên các nghiên cứu và các số liệu thống kê đã được công bố liên quan đến đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến vấn đề quản lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, bài viết cũng có hạn chế nhất định khi chưa có nhiều số liệu điều tra thực tế minh chứng cho các nhận định đã nêu ở trên. Nghiên cứu tiếp theo có thể bổ sung thêm số liệu thống kê để tăng tính thuyết phục về ảnh hưởng của CODID19 đối với việc gia tăng chất thải nhựa trên phạm vi của nền kinh tế. Vì trên thực tế, COVID-19 làm tạm dừng nhiều hoạt động kinh tế và y tế khác để nhường chỗ cho đại dịch, điều này rõ ràng giảm việc sử dụng tài nguyên, vật chất năng lượng ở các hoạt động khác.

Tài liệu tham khảo

  1. ADB, 2020. Managing infectious medical waste during the COVID-19 pandemic. www. adb.org/sites/default/files/publication/578771/managing-medical-waste-covid19.pdf. (Accessed 8 July 2020).
  2. B.I.R, 2020. COVID-19 update: fragmented picture for under-pressure recycling industry. Bureau of International Recycling. https://www.bir.org/news-press/covid-19-info-center/item/covid-19-update-fragmented-picture-for-under-pressure-recycling-in- dustry. (Accessed 13 July 2020).
  3. Higginson, R., Jones, B., Kerr, T., Ridley, A.-M., 2020. Paramedic use of PPE and testing dur- ing the COVID-19 pandemic. Journal of Paramedic Practice 12, 221–225. https://doi. org/10.12968/jpar.2020.12.6.221.
  4. Italy WWF, 2020. In the disposal of masks and gloves, responsibility is required. WWF In- ternational. https://www.wwf.it/chi_siamo/organizzazione/. (Accessed 8 June 2020).
  5. Low, D.W., Koh, A., 2020. Singapore's food delivery surge during lockdown highlights waste problems. www.bloomberg.com/news/articles/2020-06-24/singapore-binges- (accessed 15 April 2020).
  6. Monella, L.M., 2020. Will plastic pollution get worse after the COVID-19 pandemic? Euronews. https://www.euronews.com/2020/05/12/will-plastic-pollution-get-worse- after-the-covid-19-pandemic.  (Accessed  8  June 2020).
  7. Murugesh, A., 2020. Top 10 Trends Shaping Plastics & Circular Economy Post COVID-19 Lockdowns. With assistance of Srivastava, A. Medium. https://medium.com/@ arunm/top-10-trends-shaping-plastics-circular-economy-post-covid-19-lockdowns- 5e6971670f00 (accessed 26 April 2020).
  8. PlasticEurope, 2019, Plastics-the Facts 2019 an analysis of European plastics production, demand and waste data, /upload/2002174/20210407/65b02d5937dab508c5f800a793b2a63eFINAL_web_version_Plastics_the_facts2019_14102019.pdf
  9. Tenenbaum, L., 2020. The amount of plastic waste is surging because of the coronapandemic. https://www.forbes.com/sites/lauratenenbaum/2020/04/25/plas- tic-waste-during-the-time-of-covid-19/#7c4e661f7e48. (Accessed 8 June 2020).
  10. Vanapalli, K.S., Sharma H.B., Ranjan, V.P., Samal, B., Bhattacharya, J., Dubey, B.K., Goel, S. Challenges  and strategies for effective plastic waste management during and post COVID – 19 pandemic, Science of the total Environment, Volume 750, 1 January, 141514
  11. WHO, 2020. Water, sanitation, hygiene, and waste management for the COVID-19 World Health Organization. https://www.who.int/publications-detail/covid-19-strat- egy-update. (Accessed 26 April 2020).
  12. Yeboah, A.B., Odei., S., 2019. A linear model for the collection of intitutional plastic wastes in Ghana: A case of the Council for Scientific and industrial research institute of industrial research, Journal of Science 60(2), pp.32-41. DOI: 10.4314/gjs.v60i2.4
  13. Mihai, F.C., 2020. Assessment of COVID-19 Waste Flows During the Emergency State in Romania and Related Public Health and Environmental Concerns. International Journal of Environmental Research and Public Health, 17 (15), 5439,  https://doi.org/10.3390/ijerph17155439.
 

[1] https://laodong.vn/y-te/quy-trinh-xu-ly-rac-thai-khu-cach-ly-truc-bach-dien-ra-the-nao-790820.ldo rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly tại cộng đồng một phần phố Trúc Bạch được xử lý như đối với rác thải

[2] https://www.acrplus.org/en/municipal-waste-management-covid-19


[2] https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdvegas1?

[3] Ngày 17/11/2019.

[4] Bộ y tế: https://ncov.moh.gov.vn/

[5] https://www.sfcdcp.org/wp-content/uploads/2020/06/COVID-19-Guidance-PPE-Use-Reuse-Home-Care-Providers-FINAL-05-23-2020-VI-.pdf

[6] Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm mua sắm trực tuyến tăng 5,9%, dịch vụ giao hàng tăng 3,2% (Weiwei, X., 2020).

[7] Tham khảo tại https://thanhnien.vn/the-gioi/lo-ngai-o-nhiem-rac-thai-nhua-o-dong-nam-a-giua-covid-19-1267050.html


Tác giả: Trịnh Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Dương Hoa
Nguồn:Covid-19, Đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...