• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

       Thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được Đảng ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc có thể áp dụng phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc trong tiến trình cách mạng nước ta. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp với tốc độ lây lan nhanh chóng do biến chủng mới gây ra.

       Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ

      Quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ là dân làm chủ là một định nghĩa cô đọng, súc tích, vừa khoa học, hiện đại vừa kế thừa và phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ, phản ánh đúng thực chất của dân chủ ở thời đương đại. Hồ Chí Minh cũng nói dân là quý, dân là gốc, dân là chủ, “dân là động lực, là mục đích của cách mạng”. Dân chủ ở đây có quan hệ mật thiết với chủ nghĩa yêu nước, với truyền thống dân tộc, với trách nhiệm của người dân trong nhiệm vụ cứu nước, giành lại độc lập cho đất nước. Đặt dân trong quan hệ Dân – Nước, nhưng Hồ Chí Minh nói dân là chủ với ý nghĩa dân là công dân, bao gồm cả nhân quyền và dân quyền. Điều này đã được minh chứng rõ ràng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, Người khẳng định “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người còn trích dẫn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ những quyền cơ bản đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng lên thành “quyền của tất cả các dân tộc trên trái đất” và Quyền con người đã trở thành giá trị chung của nhân loại.

     Nhận thức sâu sắc về giá trị dân chủ trong mọi thời đại, Đảng và Chính phủ Việt Nam qua các thời kì luôn đề cao vị trí, vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nêu rõ tại mục (5): Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ảnh minh họa

      Dân chủ - gốc rễ đã làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam và động lực để chiến thắng đại dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay

    Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta, từ thế hệ này đến thế hệ khác đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thoát khỏi ách áp bức, nô lệ. Tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, trong đó có lợi ích của cả cộng đồng cũng như lợi ích và quyền tự do của từng cá nhân, đất nước có được giải phóng, dân tộc có được độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới được phát huy và được đảm bảo trọn vẹn nhất. 

     Trong thời đại ngày nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tàn khốc. Một lần nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trở thành kim chỉ nam soi sáng cho các định hướng về chính sách, chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và muốn chiến thắng đại dịch cần phải dựa vào sức dân, lòng dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”; Thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi người dân Việt Nam đang là một chiến sĩ; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19”.

    Làn sóng dịch bệnh thứ tư đang bùng lên mạnh mẽ vào giữa năm 2021, với số ca lây nhiễm và số ca tử vong tăng cao, xuất phát từ tình hình thực tiễn, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về giãn cách xã hội từ ngày 23/7 cho đến nay, nhằm hạn chế tối đa tốc độ lây nhiễm và có thể truy vết tận gốc các F0, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người dân và từng bước ổn định xã hội.

    Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới có chủ đề “Vì lợi ích của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” vào tháng 7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các quốc gia, chính đảng và tổ chức chính trị-xã hội là nhằm bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, nỗ lực và sự đồng lòng của các Chính phủ, chính đảng, tổ chức và người dân là yếu tố then chốt…trong đó có việc bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời với vaccine phòng chống dịch bệnh.

    Tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 diễn ra vào sáng 11/8/2021, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ khẳng định, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động xây dựng giải pháp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

    Bên cạnh đó là xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết; “dân là gốc” và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

    Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, chưa có cuộc chiến nào thắng lợi mà không có sự đồng lòng, quyết tâm, chung tay đoàn kết của nhân dân. Dân chủ không chỉ dừng lại từ phía Đảng, Chính phủ đảm bảo những quyền lợi cơ bản của công dân mà còn quan trọng hơn cả là ý thức, trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ của bản thân và nâng lên là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng trong cuộc chiến Covid-19. Ý thức và trách nhiệm của cá nhân thể hiện trước hết, đó là chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ về qui định giãn cách xã hội, thực hiện hiệu quả thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế); tiếp đến là phải tu dưỡng đạo đức tốt, đặc biệt là không lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để nảy sinh nhiều hành vi vi phạm pháp luật: lừa đảo qua không gian mạng, trộm cắp tài sản, cướp giật, kinh doanh bất hợp pháp, chống lại người thi hành công vụ, làm giấy tờ đi đường giả mạo để vượt chốt kiểm dịch…góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

    Để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng tiếp cận vắc xin cho người dân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu phân bổ vắc xin theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả, mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin, ưu tiên các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Chấn chỉnh và xử lý ngay những sai phạm (nếu có) trong quá trình phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin.

    Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các cấp từ trung ương đến địa phương và cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, các cán bộ, đảng viên tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo đảm đời sống cho người dân, có những chính sách kịp thời đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cùng đoàn công tác 

của Chính phủ đã đến thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, kiểm tra, chỉ đạo công tác
phòng chống dịch; Ảnh: PV

     Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế- xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống nhân dân, ngày 24/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đã trực tiếp chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Ngày 27/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên lực lượng làm nhiệm vụ và người dân Bình Dương. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch theo “tinh thần xuống tận nơi”, “mắt thấy tai nghe” việc chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân tại xã phường. Đây là điểm nhấn quan trọng, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống dịch ở tất cả các địa phương; đồng thời cũng là sự vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ mà Đảng ta khẳng định: để mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đẩy mạnh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng và xa rời thực tiễn.

      Với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí và quyết tâm của dân tộc là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, đảm bảo sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần từng bước ổn định tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Nguồn: Nguyễn Thu Trang - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (tổng hợp)


Nguồn:https://vass.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/Van-dung-tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-dan-chu-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-Covid-19-45 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết