• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

      (MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

      Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được xây dựng dựa trên các căn cứ: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ; Báo cáo số 531/BC-CP ngày 16/10/2020 của Chính phủ.

     Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự thảo trên cơ sở tổng hợp Báo cáo tổng kết tình hình triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp.

     Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 2545/BKHĐT-QLKTTW ngày 05/5/2021 và Văn bản số 4325/ BKHĐT-QLKTTW ngày 06/7/2021 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, cho ý kiến, đề xuất bổ sung các mục tiêu, định hướng và các giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch, cùng với kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 162/TB-VPCP ngày 15/6/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch.

    Về kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch đã được tổ chức thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và có kết quả tích cực.

    Thứ nhất, ba trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã được tập trung thực hiện. Các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; kỷ luật, kỷ cương được nâng cao. Cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tùng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Hệ thống các tổ chức tín dụng đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị; xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã được chú trọng thực hiện.

     Thứ hai, cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được kết quả đáng ghi nhận: quy mô và cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước được cải thiện.

     Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực: môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được chú trọng xây dựng. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, đã thu hút được một số tập đoàn lớn, mạnh về công nghệ đầu tư ở Việt Nam.

     Thứ tư, công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế được triển khai thực hiện, bước đầu chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả: Hệ thống pháp luật về quy hoạch được hoàn thiện, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ; thúc đẩy liên kết, ngành, địa phương phát huy vai trò của các vùng kinh tế.

     Thứ năm, hình thành và phát triển các loại hình thị trường đã đạt được một số kết quả: quy mô và cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh giữa thị trường, tiền tệ và thị trường vốn.

     Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng năng suất, nâng dần tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng; đảm bảo và củng cố kinh tế vĩ mô, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; tạo dựng niềm tin cho thị trường.

     Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Mô hình tăng trưởng có những thay đổi nhưng còn chậm; các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mặc dù đã đạt được kết quả những vẫn còn hạn chế.

    Trên cơ sở vẫn còn những hạn chế trong triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và nhận định những cơ hội và thách thức từ bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới, Dự thảo Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đưa ra 06 quan điểm.

    Thứ nhất, tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2016-2020 đồng thời bổ sung các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

    Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện thực chất hơn nữa trên cơ sở củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

    Thứ ba, lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, đảm bảo nguồn lực được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc thị trường đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên số, tài sản số và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

    Thứ tư, chủ động nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường nội lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam, nâng cao khả năng chống chịu.

    Thứ năm, gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hướng tới phát triển bền vững.

    Thứ sáu, tùy điều kiện, lợi thế và trình độ phát triển của địa phương để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp, đảm bảo cho nhiều người dân được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng; phát huy lợi ích từ liên kết vùng và vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm.

    Mục tiêu tổng quát mà Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đưa ra là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Củng cố một bước nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó trước những biến động bên ngoài. Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành đầy đủ các yếu tố thị trường, phát triển các loại thị trường các yếu tố sản xuất thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo không gian, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

    Trên cơ sở thống nhất với các chỉ tiêu tại các văn bản chính sách liên quan, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và khả năng triển khai trên thực tế, Dự thảo Kế hoạch đưa ra 6 nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu về phát triển các loại thị trường, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

    Cụ thể, thứ nhất, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo trung bình đạt 6-7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp và tăng trưởng đạt khoảng 45%. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

    Thứ hai, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7%, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng an toàn nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng an toàn nợ Chính phủ khoảng 45% GDP. Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

    Thứ ba, phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt khoảng 32-34% GDP, nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

    Thứ tư, đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP. Chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đến năm 2025 tăng 10-15 bậc so với năm 2019. Hoàn thành việc xây dựng và công khai Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam trong bộ chỉ số về Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đến năm 2025 tăng 40-50 bậc so với năm 2019, chỉ số Kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc. Tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ của toàn nền kinh tế đến năm 2025 đạt không dưới 1% GDP, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025.

    Thứ năm, phấn đấu số lượng doanh nghiệp đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Đến năm 2025, tối thiểu 5 đến 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu.

    Thứ sáu, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

    Tại Dự thảo Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra: hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; củng cố nền tảng vĩ mô; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy nội lực, tăng cường tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường liên kết vùng và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số./.

Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Nguồn:http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=50853&idcm=188 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...