• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm về Phương pháp thống kê trong nghiên cứu chính trị

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của TS. Johan A. Elkink, giảng viên Trường Chính trị và Quan hệ quốc tế và Trường Khoa học xã hội, Đại học Dublin (Ireland), sáng ngày 11 tháng 3 năm 2016, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức tọa đàm: Phương pháp thống kê trong nghiên cứu chính trị (trường hợp nghiên cứu về “Sự bảo trợ, Chủ nghĩa cá nhân và thể chế trong chính trường Nga giai đoạn 1994-2015”).

Tham dự buổi Tọa đàm có: PGS.TS. Nguyễn An Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người;  PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học; TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á…; cùng các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Trong tham luận của mình, TS. Johan A. Elkink phân tích về sự bảo trợ, chủ nghĩa cá nhân và thể chế hóa trong chính trường nước Nga giai đoạn 1994-2015. Dựa vào một bộ số liệu duy nhất về sự phân bố quyền lực trong giới tinh hoa chính trị Nga, tác giả đã nghiên cứu động lực của quá trình thể chế hóa và phi thể chế hóa cũng như sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân trong chính trường nước Nga. Đây là một phần trong dự án nghiên cứu lớn mà nhóm các tác giả đã sử dụng phương pháp định lượng hiện đại để đánh giá và đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu về chính trị nước Nga, cũng như nghiên cứu so sánh các hệ thống chính trị nằm giữa mô hình dân chủ và chuyên quyền.

Dựa vào bộ số liệu gốc về mạng lưới chính khách bảo trợ và điều tra của các chuyên gia để đánh giá sự ảnh hưởng chính sách của các thành viên chính trong liên minh chính trị đứng đầu, các tác giả cho rằng có nhiều khách hàng (bảo trợ) hơn, hay khách hàng (bảo trợ) có quyền lực lớn hơn thường làm tăng quyền lực của nhóm bảo trợ, nơi nào mà nhóm bảo trợ trở thành lực lượng thống trị thì kết quả đo lường là một chỉ số thể hiện mức độ cá nhân hóa hệ thống chính trị. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, bắt đầu từ năm 2004, hệ thống chính trị của Nga có xu hướng cá nhân hóa hơn, và xu hướng này trở nên rõ rệt hơn và mạnh mẽ hơn kể từ năm 2006 tới nay. Nhóm nghiên cứu cho rằng có một chỉ số đo lường mức độ ảnh hưởng tổng thể của một cá nhân trong tổng số các thành viên của giới tinh hoa chính trị và có sự thay đổi đáng kể trong việc các cá nhân lên nắm quyền lực, được thăng tiến hay giáng chức tại các vị trí khác nhau qua từng giai đoạn khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc phi thể chế hóa chính trường Nga dưới thời Putin mạnh mẽ hơn dưới thời Yelsin.

Sau khi nghe TS. Johan A. Elkink trình bày, nhiều câu hỏi nêu lên đã được diễn giả giải đáp một cách thuyết phục. Tọa đàm cũng là dịp để các đại biểu thảo luận, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp hiểu rõ hơn về đời sống chính trị của Nga giai đoạn 1994-2015, đặc biệt giúp các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội tiếp cận phương pháp thống kê, sử dụng mô hình lượng hóa trong nghiên cứu chính trị./.

Nguồn: Vass.gov.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan