Tọa đàm “Thách thức tăng trưởng, chiến lược cho năm 2015 và tương lai”
Chiều ngày 7-4-2015 tại Hội trường Viện Kinh tế Việt Nam đã diễn ra buổi Tọa đàm “Thách thức tăng trưởng, chiến lược cho năm 2015 và tương lai” do Viện Kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng phối hợp tổ chức, với bài trình bày của TS. Danny Leipziger – Giám đốc điều hành của mạng lưới “Đối thoại Tăng trưởng”, nguyên Phó Chủ tịch WB về Kinh tế và giảm nghèo.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Leipziger cho rằng trong năm 2015 kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng không phải màu hồng: Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vẽ nên một một kịch bản “ảm đạm mới”; Các giới hạn của giãn nở tiền tệ đã đạt tới ngưỡng ; Cơ sở hạ tầng là hướng tập trung mới của IMF, nhưng nó không tương đồng với các hành động thực tiễn dưới hiện trường, mặc dù có những lỗ hổng lớn; Các mối quan ngại toàn cầu về việc làm, mức nợ và dòng tiền khó đoán định; Các nhóm nước trong khối G-20 dường như không thể khôi phục lại sự tự tin và những bất định đang phủ một bóng lớn. Để phát triển dài hạn, cần có tăng trưởng thì mới có phát triển bền vững và cải thiện đời sống của người dân. Có nước lựa chọn đi tắt đón đầu trong khi quốc gia khác lại thăm dò từng bước để đảm bảo sự ổn định.
TS. Leipziger đánh giá cao việc Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình với mức tăng trưởng 5-6%, điều đáng mơ ước với nhiều quốc gia. Ông cho rằng Việt Nam nên lựa chọn con đường phát triển bền vững, đầu tư cho con người để có nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng trưởng phải vì người nghèo, giảm sự bất bình đẳng.
Trong phần bình luận, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá cao các nhận định của TS Leipziger. Ông đồng tình rằng không phải chỉ mỗi Việt Nam gặp khó khăn trong bối cảnh hiện tại. Các chính sách hỗ trợ truyền thống tưởng dễ dàng nhưng thực tế lại gây ra rất nhiều chi phí. PGS cũng cho rằng đầu tư tư nhân của Việt Nam cho giáo dục rất nhiều nhưng đóng góp cho tăng trưởng lại rất ít, đóng góp của TFP rất thấp. Tuy nhiên, PGS nêu lên quan điểm ở một chừng mực nào đó, liệu có mối quan hệ nào giữa tăng trưởng và tham nhũng hay không, khi thực tế các nước Đông Á cho thấy tuy có tham nhũng nhưng vẫn có tăng trưởng tốt. Phản bác điều này, TS. Leipziger phủ nhận tham nhũng có tác động tích cực tới tăng trưởng và đưa ra các bằng chứng từ Malaysia, Philippines…
Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi từ các vị khách mời như chuyên gia Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Đình Chúc_ Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng...
Theo TS. Nguyễn Đình Chúc, chúng ta thường có định kiến khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, tuy nhiên khi sử dụng số liệu của GSO phân tích thì lại có bức tranh tương đối trái ngược khi khu vực này hoạt động rất hiệu quả và có đóng góp lớn trong vấn đề tăng trưởng, việc làm.
Tọa đàm còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu của một số đại biểu, chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.
Kết thúc buổi tọa đàm, để thay lời bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn thay mặt Ban Chủ tọa gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời, các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp ý kiến để buổi tọa đàm được thành công tốt đẹp.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng |