Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài “Tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững” thuộc Chương trình Tây Nguyên 3.
Chiều ngày 08/11/2015, tại hội trường 3A, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNNN) đã họp và đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững” mã số TN3/X01. Đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng làm chủ nhiệm; thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2014.
Đến dự buổi bảo vệ đề tài có các đại biểu đại diện của lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Văn phòng Tây Nguyên 3. Trong phần trình bày, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ các kết quả và đóng góp khoa học, thể hiện ở: (i) Đưa ra một khái niệm về tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững vùng. (ii) Đưa ra cách tiếp cận mới để đánh giá việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững của vùng và xác định một khung phân tích để trên cơ sở đó đánh giá kinh tế của Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững, chú ý cả về chất và về lượng, gắn với phát huy lợi thế so sánh của vùng và tạo ra giá trị gia tăng cao nhờ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đảm bảo thực hiện các trụ cột của phát triển bền vững. (iii) Làm rõ được thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên hiện nay chưa chú ý về chất mà chỉ chú ý về lượng, chưa tham gia được sâu vào chuỗi giá trị các sản phẩm và chưa đảm bảo bền vững trong tăng trưởng và phát triển. (iv) Đưa ra các đề xuất giải pháp chính sách để tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.
Nội dung nghiên cứu của Đề tài được trình bày trong 4 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận của tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Chương 2: Thực trạng cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Chương 3: Nghiên cứu các trường hợp điển hình. Chương 4: Đề xuất định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh việc đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp chính sách để tái cơ cấu kinh tế Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh mới với nhiều biến chuyển có cả cơ hội lẫn thách thức. Cùng với các kết quả nghiên cứu, tập thể tác giả đã đưa ra một số kiến nghị chính sách để góp phần tái cơ cấu kinh tế Tây nguyên theo hướng phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, về phương pháp nghiên cứu cũng như cách tiếp cận. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu cần bổ sung và sửa chữa một số điểm cho sản phẩm của đề tài được hoàn chỉnh. Đề tài được Hội đồng đánh giá loại Khá. Các kết quả nghiên cứu của Đề tài cùng các giải pháp đưa ra có tính khả thi, góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên./.
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng