Nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đề tài cấp Bộ “Chương trình xây dựng Nông thôn mới: nhìn từ thực tế các xã thí điểm”
Chiều ngày 13 tháng 5 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học học xã hội Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Bộ “Chương trình xây dựng Nông thôn mới: nhìn từ thực tế các xã thí điểm” do TS. Lương Thị Thu Hằng làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng là cơ quan thực hiện. Đề tài được thực hiện trong 2 năm từ năm 2013 đến năm 2014.
Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Viện Hàn lâm gồm: 07 thành viên, Chủ tịch Hội đồng: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng; Hai thành viên phản biện gồm: GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chương trình XDNTM, Bộ NN&PTNT và TS. Vũ Tuấn Anh, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; Các thành viên hội đồng gồm: GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học; TS. Trần Công Thắng, Viện CL&CSNN, Bộ NN&PTNT; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện NC Phát triển bền vững Vùng. Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện Ban Quản lý khoa học.
Phần trình bày của nhóm nghiên cứu tập trung vào làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã tập trung phân tích và làm rõ:
(i) Đánh giá thực trạng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ các xã đang triển khai
(ii) Phân tích quan điểm và giải pháp của các địa phương tại một số tỉnh về chiến lược thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững đề tài đã được ra được một số đánh giá qua các chỉ số đánh giá định tính và định lượng;
(iii) Phân tích các thuận lợi, thách thức, cản trở và các điểm nghẽn trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ thực tế các xã thí điểm và các xã đang triển khai tại vùng nông thôn Việt Nam
(iv) Bước đầu đưa ra những khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững vùng.
Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm có 3 chương: Chương 1. Các vấn đề chung và lý thuyết về phát triển bền vững nông thôn. Chương 2. Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới theo định hướng phát triển bền vững; và Chương 3. Quan điểm định hướng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đã chỉ ra rằng: tính thực tiễn, tỉnh khả thi và tính bền vững của các tiêu chí nông thôn mới cần phải xem xét, một số tiêu chí đặt ra chưa phù hợp với tình hình thực tế tại vùng/miền nông thôn Việt Nam, và sự cần thiết phải điều chỉnh lại cho phù hợp đối với các vùng nông thôn hiện nay. Ví dụ như các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động nông thôn, nguồn lực dân đóng góp, doanh nghiệp đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; Các yếu tố thách thức trong xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng ven biển hiện nay cần phải được làm rõ hơn; Một số gợi ý chính sách cho vấn đề triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh phát triển bền vững đất nước hiện nay.
Đề tài được Hội đồng xếp loại khá.
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng