Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020
Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”. Phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển kinh tế hợp tác xã nói riêng đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 15 năm3 thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể với sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, kinh tế tập thể đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cơ bản được hoàn thiện. Bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước được củng cố; Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể các cấp được thành lập, từng bước kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay xuất hiện thêm nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình hợp tác hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, quản lý tiên tiến, tham gia chuỗi giá trị; lĩnh vực hoạt động kinh tế tập thể được mở rộng, phong phú, góp phần phát triển kinh tế hộ thành viên, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo được niềm tin vào triển vọng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống như: Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) cũng đã và đang từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương, từ năm 2020 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam thường niên. Nội dung “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” (năm đầu tiên phát hành) gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 5 phần:
Phần I: Bối cảnh phát triển hợp tác xã đến năm 2018.
Phần II: Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Phần III: Một số giải pháp phát triển hợp tác xã.
Phần IV: Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016-2018 (của cả nước).
Phần V: Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016-2018 (của các địa phương).
Tổng cục Thống kê trân trọng cảm ơn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã cung cấp thông tin và phối hợp với Tổng cục Thống kê biên soạn Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020. Lần đầu tiên biên soạn Sách trắng hợp tác xã Việt Nam, Tổng cục Thống kê mong nhận được ý kiến đóng góp của các cơ quan, các nhà nghiên cứu và đông đảo người dùng tin trong nước và quốc tế để ấn phẩm các năm sau phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin. Ý kiến góp ý cho Sách trắng hợp tác xã Việt Nam xin gửi về địa chỉ: Tổng cục Thống kê, số 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội qua địa chỉ email: congnghiep@gso.gov.vn.
Trân trọng cảm ơn!
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ