Giới thiệu sách: An ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Sách chuyên khảo)
Đầu trang tên sách ghi: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng Những người tham gia: Nguyễn Thị Thanh Hương (chủ biên), Bùi Việt Cường, Nguyễn Thị Thục, Trần Thị Thanh Tuyến, Trần Minh, Đỗ Tá Khánh, Phan Thị Song Thương, Nguyễn Kim Toàn, Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Đình Chúc, Lê Thị Thu Hương, Khúc Thị Thanh vân, Nguyễn Minh Hải, Lương Thùy Dương, Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Thị Hương Giang Nxb. Lao động, 2022 Kí hiệu kho: 24VV00002509 |
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về An ninh việc làm, theo ILO (2020) an ninh việc làm là sự bảo vệ công nhân trước những biến động thu nhập do mất việc làm. Mất việc làm có thể xay ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế, trong giai đoạn tái cấu trúc, hoặc liên quan đến nhiều nguyên nhân khác của việc sa thải. Một trong những cách thức bảo vệ công nhân khỏi mất việc là xây dựng khung pháp lý bảo vệ việc làm.
Những năm gần đây các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Trong thời gian qua an ninh việc làm đã có sự thay đổi căn bản, tư nhìn nhận ở góc độ cá nhân, vi mô sang đa cấp độ và tích hợp các giá trị tiến bộ và hiểu biết mới. An ninh việc làm được kết hợp với các mục tiêu khác, như tính linh hoạt của thị trường lao động, để tại ra hình mẫu mới, đa chiều và cân bằng hơn. Tuy nhiên, đi kèm với sự thay đổi đó là nhiều ý kiến trái chiều trong việc diễn giải; các khó khăn và phức tạp trong đánh giá và đo lường; cũng như kéo theo nhiều hàm ý chính sách khác nhau với các đối tượng, địa bàn và thời gian khác nhau.
Bên cạnh đó, các chiến lược, chính sách an ninh việc làm tại các nước đang phát triển đã có sự thay đổi tương đối rõ rệt theo thời gian. Các nền kinh tế đang phát triển có khuynh hướng có chính sách an ninh việc làm chặt chẽ hơn trong bối cảnh thiếu hệ thống bảo trợ xã hội chống nguy cơ thất nghiệp và đói nghèo...
Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam liên quan tới an ninh việc làm rất rộng và nhiều tầng nấc, bao phủ hầu hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, các quy định hiên nay không còn phù hợp làm cản trở tính linh hoạt của thị trường, không bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Các khu công nghiệp là môi trường được coi là có tiêu chuẩn cao hàng đầu trong xử lý các quan hệ lao động; song tình trạng này vẫn mang tính phổ biến.
Cuốn sách: “An ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Sách chuyên khảo)” do Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương làm chủ biên là tiên khởi cho công trình nghiên cứu định lượng (thông qua các chỉ số) về an ninh việc làm nói chung, an ninh việc làm của người lao động trong các khu công nghiệp nói riêng. Cuốn sách chỉ ra những khoảng trống lớn trong chủ đề nghiên cứu, góp phần bổ sung cho hướng nghiên cứu mới mẻ, đề xuất các giải pháp xử lý các bài toán cấp thiết về an ninh việc làm ở Việt Nam nói chung, các khu công nghiệp nói riêng trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, bố cục cuốn sách được chia làm 5 chương, cụ thể như sau:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về an ninh việc làm trong khu công nghiệp
Chương 2. Chính sách xã hội và chính sách an ninh việc làm ở Việt Nam
Chương 3. An ninh việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp ở Việt Nam
Chương 4. Vai trò của các bên liên quan trong việc đảm bảo an ninh việc làm ở Việt Nam
Chương 5. Quan điểm, giải pháp chính sách đảm bảo an ninh việc làm đối với người lao động tại các khu công nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới
Cuốn sách được hình thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học và công nghệ do Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì. Với 5 chương, cuốn sách đã khái quát từ lý luận, khái niệm về an ninh việc làm đến thực tiễn tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một cách hệ thống về khung lý thuyết an ninh việ làm nói chung và an ninh việc làm cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian vừa qua; cũng như thông qua việc vận dụng khung lý thuyết vào đánh giá thực trạng an ninh việc làm của người lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước vừa dự báo xu hướng và đề xuất giải pháp chính sách đảm bảo an ninh việc làm đối với người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong thời gian tới.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc trong cả nước và mong nhận được sự góp ý, chia sẻ đề lần tái bản được hoàn thiện hơn.