• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững”

     Ngày 29/10/2021, tại trụ sở Học viện Khoa học xã hội, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng và Học viện Khoa học xã hội phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và ngoài nước tham dự.

 

 
GS.TS.Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phát biểu khai mạc Hội thảo

      Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2021 công bố cho thấy, các bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, các rủi ro từ môi trường và khủng hoảng sinh kế là những rủi ro có khả năng xảy ra cao nhất trong thập kỷ tới. Dịch bệnh truyền nhiễm đứng đầu về nguy cơ xảy ra trong ngắn hạn lẫn tác động dài hạn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và rủi ro từ môi trường tiếp tục được đánh giá là những nguy cơ hiện hữu nhất đối với thế giới.

       Khủng hoảng sinh kế cũng được xem là nguy cơ cận kề nhất trong ngắn hạn và đồng thời là một trong những rủi ro trong dài hạn theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

       Trong bối cảnh đó, đô thị là khu vực tập trung ngày càng nhiều rủi ro. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, ngày nay có đến hơn một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực đô thị, tỷ lệ này thậm chí sẽ lên tới 68% vào năm 2050 (UNDESA, 2019). Thêm vào đó, 95% sự tăng trưởng đô thị sẽ diễn ra ở các nước đang phát triển (UN-HABITAT, 2020)- nơi đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ các rủi ro như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sinh kế. Vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững lại càng trở nên hết sức quan trọng.

       Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS.Đỗ Hoài Nam, nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các quý vị đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự Hội thảo. GS.TS.Đỗ Hoài Nam khẳng định, là một quốc gia đang phát triển và đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội sau hơn ba mươi năm đổi mới, tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức ngày một rõ hơn từ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến sinh kế bền vững, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

      Về biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2021), Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể làm tăng dân số bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lên khoảng 3 đến 9 triệu người trong giai đoạn 2035 – 2044, trong đó vùng bị ảnh hưởng tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và các đô thị lân cận. Sự gia tăng nhiệt độ sẽ diễn ra ở các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nằm trong các khu vực đô thị trên thế giới bị đe dọa bởi nắng nóng có thể gây chết người. Ước tính biến đổi khí hậu có thể làm giảm 3,5% thu nhập quốc dân vào năm 2050.

     Về dịch bệnh, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam. Có 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, 38,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh; khoảng 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị mất việc, tạm nghỉ, ngừng sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, xu hướng lao động rời bỏ thành phố về quê thực sự trở thành một thách thức lớn không chỉ đối với việc khôi phục sản xuất kinh doanh, hàn gắn chuỗi cung ứng tại các đô thị mà còn là bài toán sinh kế đối với người dân khi trở về từ thành phố.

      Không chỉ đối phó với các rủi ro, quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam còn làm nảy sinh một loạt vấn đề cần giải quyết như ô nhiễm môi trường, việc làm, di dân, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội…

     GS.TS.Đỗ Hoài Nam cho biết, những năm gần đây, thế giới đã và đang trải qua nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Chính vì vậy, phát triển bền vững của Việt Nam cần phải được xây dựng từ những đô thị bền vững. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi có những đánh giá xác đáng, đầy đủ về những rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt, những mô hình hiệu quả, những giải pháp hữu hiệu trong việc quản trị các rủi ro và phát triển đô thị bền vững. Chính vì vậy, việc đánh giá rủi ro và nghiên cứu các mô hình, rút ra bài học kinh nghiệm trong quản trị rủi ro là hết sức cần thiết nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát biểu đề dẫn

       Báo cáo đề dẫn, TS. Lê Văn Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cho biết, cùng với xu hướng vận động chung, thời gian gần đây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh với qui mô, tần suất tác động ngày càng lớn và khó đoán định ở tất cả khu vực miền núi, ven biển và những đô thị lớn. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong quản lý rủi ro và thực hiện mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt, nhưng thiên tai đang ngày càng cực đoan, bất thường ở Việt Nam. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và nhiều thiên tai nghiêm trọng khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển nói chung và phát triển đô thị bền vững nói riêng.

      Rủi ro thiên tai được dự báo sẽ ngày càng gia tăng không chỉ khu vực miền núi, ven biển, mà ngay cả các đô thị hiện tại cũng gặp nhiều bất ổn và tổn thương. Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường, trong đó có 17 đô thị có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất mạnh. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ thống đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.

      TS. Lê Văn Hùng nhấn mạnh, gần đây, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam đã gây ra những thiệt hại lớn cả về người và tiền bạc. Bên cạnh đó, đại dịch cũng tác động mạnh tới các vấn đề xã hội như việc làm, an sinh xã hội đặc biệt nghiêm trọng ở những đô thị lớn có dịch. Những khu vực chịu tác động năng nề ở khu vực đô thị là nơi có mật độ dân cư đông đúc như những khu cư dân nghèo, khu nhà trọ có tiêu chuẩn sống thấp. Bệnh dịch cũng bộc lộ rõ hơn những vấn đề hạn chế trong qui hoạch và xây dựng, quản lý đô thị như hạ tầng y tế, nhà ở, giao thông kết nối, logistic,… phục vụ sản xuất và đời sống.

      TS. Lê Văn Hùng khẳng định, dù có nhiều nỗ lực và cố gắng, tuy nhiên, công tác quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế và khó khăn cần khắc phục. Để gia tăng hiệu quả công tác quản lý rủi ro và phát triển đô thị bền vững, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước là quan trọng nhưng là không đủ mà cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực từ các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp và cả sự nỗ lực của người dân.

rui%20ro%203.jpg

rui%20ro%204.jpg

rui%20ro%205.jpg

Các đại biểu phát biểu, biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo

      Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, tổ chức thành 02 phiên với 09 báo cáo trình bày về các chủ đề:

      Phiên thứ nhất: Quản trị rủi ro, có các tham luận: (1) Nghiên cứu đánh giá rủi ro đến tài nguyên nước mặt do biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước mặt cho một tỉnh điển hình; Áp dụng cho tỉnh Quảng Ngãi, của nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường; (2) Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của một số quốc gia tại ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, của TS. Nguyễn Hà Phương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; (3) Phát triển du lịch bền vững hậu Covid -19: Thách thức và giải pháp, của ThS. Phạm Thị Bích Thủy, Đại học Giao thông vận tải; (4) Hệ thống cảnh báo sớm thiên tai – giải pháp kỹ thuật, của nhóm tác giả TS. Bùi Quang Bình, Viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng.

      Phiên thứ 2: Phát triển đô thị bền vững, có các tham luận: (5) Xây dựng chỉ số thành phố bền vững cách tiếp cận cho việc thực hiện phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam, của TS. Triệu Thanh Quang, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; (6) Tiếp cận hệ thống để khởi động tiến trình chuyển đổi sang đô thị tuần hòan cho Việt Nam, của TS. Lại Văn Mạnh,  Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; (7) Phân tích nhu cầu và phản ứng thích ứng cấp địa phương tại thành phố Cần Thơ, Việt Nam, của Dr.Nigel K. Downes, Đại học Cần Thơ; (8) Cung cấp đồ ăn cho sự bùng nổ du khách: Ẩm thực và phát triển bền vững ở Hội An, của TS. Arve Hansen, Đại học Oslo, Norway; (9) Giải pháp ưu tiên phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam trong 10 năm tới: Thành phố công trình xanh, của PGS.TS. Phạm Đức Nguyên, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

     Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ các rủi ro đối với sự phát triển ở Việt Nam, chia sẻ các mô hình, bài học kinh nghiệm trong việc quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

       Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đỗ Tá Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cảm ơn Lãnh đạo Viện Hàn lâm, cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. Phó Viện trưởng cho biết các tham luận và trao đổi tại Hội thảo là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều rất bổ ích, đặt ra những vấn đề mới, vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thảo luận thêm. TS. Đỗ Tá Khánh mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp liên quan đến rủi ro, quản lý rủi ro, phát triển đô thị bền vững từ đó có những gợi ý, đề xuất các chính sách phù hợp cho Việt Nam thời gian tới.

Nguồn: PV. 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...