• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”

Sáng ngày 29/10/2015, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”. Đây là nghiên cứu được sự hỗ trợ của Công ty Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng IRSD; TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD; PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM; Ông Alex Long, Giám đốc Đối ngoại công ty Google khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý Hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin; Ông Nguyễn Thành Hưng, Tổng thư ký VECOM cùng các cán bộ, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành (Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Trung tâm Internet Việt Nam…); cùng sự góp mặt của đại diện các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm

Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo nghiên cứu gồm các phần chính: (1) Internet và hoạt động của các DNV&N; (2) Các DNV&N tại Việt Nam; (3) Internet và TMĐT ở Việt Nam; (4) Các yếu tố kinh doanh điện tử và ảnh hưởng tới hoạt động của các DNV&N tại Việt Nam; (5) Các nghiên cứu trường hợp (Cá kho Trần Luận - làng Vũ Đại, Công ty Đông Phương Nam- thanhlyhangcu.com, Công ty Nhà Việt , Công ty tranh lá khô Trung Anh  về lợi ích của Internet và TMĐT đối với các DNV&N. Đặc biệt tại phần (5), nhóm nghiên cứu đã đi sâu phân tích một số trường hợp DNV&N tiêu biểu để có cái nhìn cụ thể hơn về những tác động của Internet tới chiến lược và hoạt động của DNV&N.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng Internet và công nghệ thông tin là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các DNV&N, Internet không chỉ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng phạm vi quảng bá, làm sâu và rộng hơn các biện pháp truyền thông, mà còn giúp giảm chi phí vận hành, kết nối với các nhà cung cấp và tiến hành các hoạt động quảng bá với chi phí thấp hơn. Đặc biệt, Internet mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ vì nó giúp giảm chi phí giao dịch và tạo ra sân chơi bình đẳng. 

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy: Internet là một phương thức có hiệu quả để các DNV&N tiếp cận thị trường quốc tế. Internet giúp các doanh nghiệp thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa bằng cách giảm thiểu các khâu trung gian, đồng thời, giúp các doanh nghiệp này duy trì vị thế trên trường quốc tế nhờ các công cụ quảng bá, khuyến mãi rẻ hơn và hiệu quả hơn, cũng như thúc đẩy nghiên cứu phát triển liên doanh nghiệp. Ngoài ra, Internet còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối doanh nghiệp với mạng lưới sản xuất toàn cầu, tạo ra mạng lưới quan hệ cho phép các doanh nghiệp tương tác rộng rãi và mật thiết hơn với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thiết lập những đồng minh chiến lược.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị về việc các DNV&N nên tận dụng lợi thế của Internet để mở rộng kinh doanh, đồng thời Chính phủ nên thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ Internet và đảm bảo các giao dịch TMĐT an toàn.

Các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao kết quả nghiên cứu và có những ý kiến đóng góp, bình luận sâu sắc về nội dung của báo cáo. Các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đặt nền móng và gợi mở những vấn đề nghiên cứu mới nhằm tư vấn chính sách cho các cơ quan hữu quan trong việc hoạch định chính sách, phát huy mặt tích cực, tận dụng cơ hội và giải quyết những thách thức, giảm thiểu tác động tiêu cực của Internet và TMĐT đến hoạt động của DNV&N, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. 

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết