• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm khoa học: Nghiên cứu tác động kinh tế xã hội của ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam

Sáng ngày 26/6/2015, tại Hội trường 3A, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Nghiên cứu tác động kinh tế xã hội của ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam" nhằm lấy ý kiến đóng góp về nghiên cứu tác động kinh tế, xã hội của ngành công nghiệp vui chơi có thưởng tại Việt Nam từ các góc độ quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội. Tham dự Tọa đàm có các cán bộ, chuyên gia đến từ Bộ Tài Chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; Viện Kinh tế Việt Nam, Viện nghiên cứu Con người (VASS) cùng nhiều cơ quan bộ ngành khác.

Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp vui chơi có thưởng đang trở nên phổ biến khắp Châu Á, tạo ra nguồn thu lớn cho các Chính phủ và định hình lại nền kinh tế của các nước phát triển ngành công nghiệp này. Thực tiễn một số nước trong khu vực cho thấy việc khai thác kinh doanh sòng bài (Casino) đã thu về cho các nước này hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tại Việt Nam, Chính phủ đang cân nhắc việc ban hành Nghị định về kinh doanh Casino nhằm tạo một khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững cũng như quản lý và hạn chế các tác động tiêu cực. Cho đến nay, dự án "Nghiên cứu tác động kinh tế xã hội của ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam" là nghiên cứu đầy đủ nhất về ngành công nghiệp vui chơi có thưởng và chỉ ra những tác động kinh tế xã hội của ngành này. 

 

Tọa đàm được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề chính sau:

Trong phiên 1: Các đại biểu được nghe phần trình bày báo cáo tóm tắt nghiên cứu tác động kinh tế xã hội của ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam của TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (VASS); Báo cáo về kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vui chơi có thưởng, do ThS. Phạm Hồng Tiến, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (VASS) trình bày. Trong 2 báo cáo này, nhóm nghiên cứu VASS đã khảo sát kinh nghiệm quốc tế (Singapore, Campuchia, Macao, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên bang Nga, Nam Phi và các nước Châu Âu lục địa); Phân tích thực tế Việt Nam ở khu vực vui chơi có thưởng hợp pháp (xổ số, sòng bài - casino, trò chơi điện tử có thưởng) và bất hợp pháp (lô, đề, cá cược qua mạng, chơi sòng bài ở nước ngoài…) thông qua nghiên cứu tại các khu vực Tây Ninh, Lào Cai, Hồ Tràm Strip; Đánh giá những tác động kinh tế và khảo sát ý kiến người dân về mặt xã hội của khả năng hợp pháp hóa Casino tại Việt Nam.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, khảo sát nêu trên, các báo cáo đã chỉ ra những tác động kinh tế của ngành công nghiệp vui chơi có thưởng: (i) Khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế; (ii) Tạo việc làm và tăng thu nhập lao động địa phương; (iii) Thu hút vốn đầu tư cho địa phương; (iv) Tăng đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng thương mại. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng đề cập đến tác động xã hội như: (i) Khả năng giảm năng suất lao động; (ii) Xu hướng gia tăng bệnh trầm cảm, bệnh lý căng thẳng và gia tăng các vấn đề xã hội khác (tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, tỉ lệ li hôn, tình trạng nợ nần hay phá sản).

Phiên 2: Các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận theo các quan điểm từ các góc độ quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội; tác động của chính sách quản lý kinh tế, xã hội; phát triển du lịch… của ngành công nghiệp vui chơi có thưởng, giúp nhóm nghiên cứu đề xuất những kiến nghị, giải pháp quản lý phù hợp với thực tế tại Việt Nam nhằm hạn chế những tác động xã hội tiêu cực hoạt động này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp từ các cơ quan liên quan sẽ giúp nhóm nghiên cứu VASS hoàn thiện nội dung báo cáo góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan hữu quan trong việc hoạch định chính sách về quản lý ngành công nghiệp vui chơi có thưởng tại Việt Nam. Dự kiến báo cáo nghiên cứu sẽ được hoàn chỉnh và công bố chính thức vào tháng 7 năm 2015. 

                                                Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết