• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Internet và thương mại điện tử đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”

Chiều ngày 28/7/2015, tại Hội trường 3A, trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Ảnh hưởng của Internet và thương mại điện tử đến hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”.

Tham dự Tọa đàm có các cán bộ, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, VECITA (Bộ Công Thương); Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Internet Việt Nam; Cục Thông tin đối ngoại; Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu Thương mại… cùng sự góp mặt của đại diện các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm.

Toàn cảnh Tọa đàm khoa học

Thương mại điện tử (TMĐT) là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và mạng máy tính. TMĐT được biết đến vào cuối năm 2000, nhiều công ty kinh doanh ở Mỹ và Châu Âu đã thiết lập các dịch vụ thông qua World Wide Web (Web), từ đó con người bắt đầu có mối liên hệ với TMĐT với quyền trao đổi các loại hàng hóa khác nhau thông qua Internet, dùng các giao thức bảo mật và dịch vụ thanh toán điện tử. Cho đến nay, TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là một trong các trụ cột của xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Hơn thế, TMĐT đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông. Đây cũng là môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Tọa đàm được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề chính sau:

Trong phiên 1: Các đại biểu được nghe phần trình bày báo cáo về Thực trạng phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) và các vấn đề chính sách (PGS.TS. Trần Kim Chung, CIEM); Báo cáo về ảnh hưởng của Internet và TMĐT đối với hoạt động của DNV&N (TS. Nguyễn Đình Chúc, IRSD). Trong 2 báo cáo này, các diễn giả đã phân tích tổng quan thực trạng phát triển, cơ hội và thách thức của các DNV&N - một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Qua đó, đề xuất kiến nghị, giải pháp và các vấn đề chính sách hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực thể chế nhằm tạo môi trường phát triển DNV&N Việt Nam; chỉ ra những đóng góp tích cực của nhân tố TMĐT đến việc tạo ý tưởng kinh doanh mới và mang lại giá trị gia tăng cho DNV&N Việt Nam thông qua các nghiên cứu trường hợp về lợi ích TMĐT ở một số website (công ty Đông Phương Nam, công ty Nhà Việt, công ty tranh lá khô Trung Anh…) cũng như tồn tại một số khó khăn của TMĐT ở Việt Nam (thiếu niềm tin vào chất lượng hàng hóa, môi trường luật pháp, trở ngại về cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội…).

Phiên 2: Các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận xoay quanh tình hình hoạt động TMĐT (Khung pháp lý của TMĐT; Tác động những văn bản mới ban hành hoặc sửa đổi đến từng khía cạnh của hoạt động TMĐT; Việc thực thi pháp luật về TMĐT tại Việt Nam) và các thách thức theo thời gian trong quản lý và phát triển TMĐT ở Việt Nam (Hạ tầng Internet; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; Thanh toán; Đáp ứng nhu cầu dịch vụ chuyển phát; Lòng tin trong môi trường trực tuyến; Phát triển cân bằng giữa các vùng/ địa phương)…(Ông Nguyễn Hữu Tuấn, VECITA và ông Nguyễn Thành Hưng, VECOM trình bày).

Tọa đàm nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp từ các cơ quan liên quan sẽ gợi mở nhiều thông tin hữu ích cho các cơ quan hữu quan trong việc hoạch định chính sách để phát huy những mặt tích cực cũng như khắc phục khó khăn, giảm thiểu những tác động tiêu cực của Internet và TMĐT đến hoạt động của DNV&N Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...