Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam
Sáng ngày 30/9/2015, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam. Đây là dự án nghiên cứu hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay về ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam, được tài trợ bởi Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, do IRSD phối hợp cùng các chuyên gia và nghiên cứu viên từ các viện nghiên cứu hàng đầu trong nước, được tiến hành thực hiện trong thời gian 6 tháng, kể từ tháng 4 năm 2015.
Tham dự Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch VASS; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng IRSD; Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội; Ông Colin M. Pine, Tổng Giám đốc Dự án Hồ Tràm tại Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch..., các hiệp hội và viện nghiên cứu trong và ngoài VASS.
Ở Việt Nam, ngành vui chơi có thưởng được phân chia thành hai khu vực lớn: (1) Các hình thức vui chơi có thưởng hợp pháp được Nhà nước cho phép và bảo trợ (xổ số, trò chơi điện tử có thưởng, sòng bài,); (2) Các hình thức vui chơi có thưởng bất hợp pháp. Hiện nay, trên cả nước có 64 công ty xổ số kiến thiết, 08 sòng bài, 02 địa điểm cá cược thể thao; 43 điểm trò chơi điện tử có thưởng, trong đó sòng bài và điểm trò chơi có thưởng điện tử chỉ cho phép người nước ngoài được tham gia chơi.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài -TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng IRSD trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu bao gồm 3 phần chính: (1) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế (Singapore, Macao - Trung Quốc); (2) Nghiên cứu thực tiễn và khảo sát các cơ sở kinh doanh trò chơi có thưởng tại Việt Nam; (3) Điều tra xã hội học về tác động của các hoạt động vui chơi có thưởng và sòng bài. Đặc biệt, đối với ngành sòng bài, nhóm nghiên cứu đã đi sâu khảo sát thực địa tại hai cơ sở sòng bài đang hoạt động hợp pháp với qui mô khác nhau (Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Khách sạn Quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và một số sòng bài tại biên giới Campuchia, nơi có nhiều người Việt Nam tham gia chơi.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng ngành công nghiệp vui chơi có thưởng và sòng bài hợp pháp mang lại những lợi ích về kinh tế: (i) Tăng thu ngân sách; (ii) Tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của lao động tại địa phương; (iii) Thu hút vốn đầu tư và du lịch; (iv) Thay thế nhập khẩu dịch vụ, tăng cường trao đổi thương mại và giảm chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra những tác động xã hội của ngành công nghiệp này: (i) Giảm năng suất lao động; (ii) Tăng tội phạm có tổ chức và các vấn đề về gia đình, nợ nần, phá sản; (iii) Tăng các vấn đề về tâm lý như tự kỷ. Tuy nhiên, các ảnh hưởng xã hội này không phải lúc nào cũng được khẳng định và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra những biện pháp kiểm soát thành công.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu kiến nghị công tác quản lý ngành vui chơi có thưởng nói chung và ngành sòng bài nói riêng cần dựa trên một khung pháp lý hoàn thiện và khả thi. Để xây dựng được khung pháp lý trên, Đề tài đề xuất việc thí điểm cho phép công dân Việt Nam tham gia một số hình thức vui chơi có thưởng và sòng bài trong các khu nghỉ dưỡng phức hợp có quy mô lớn tại những địa điểm xa các khu đô thị đông dân cư. Các cơ sở kinh doanh này cần có sẵn hệ thống an ninh và quản lý người chơi chặt chẽ, có chương trình đào tạo nhân viên và kế hoạch phối hợp cùng với chính quyền địa phương trong hoạt động giáo dục và tuyên truyền nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đánh giá cao kết quả nghiên cứu đã phản ánh tương đối toàn diện nhiều chiều cạnh về ngành vui chơi có thưởng tại Việt Nam từ việc soi chiếu với kinh nghiệm quốc tế và lịch sử vấn đề nghiên cứu. Qua đó, kết quả nghiên cứu của Đề tài đáp ứng tốt những yêu cầu về quản lý vĩ mô nói chung và đối với các ngành ở địa phương nói riêng, đồng thời góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng như tư vấn chính sách phù hợp cho ngành công nghiệp vui chơi có thưởng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng