• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp dụng tiêu chuẩn VIETGAP: Khó khăn và thách thức đối với các hộ trồng xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Quốc Nhân

Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm phân tích những khó khăn trong việc áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP) vào sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), qua trường hợp các hộ trồng xoài. Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang và huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Số liệu sử dụng cho nghiên cứu được thu thập từ 49 hộ nông dân trồng xoài đạt chuẩn VietGAP. Phương pháp phân tích định tính được sử dụng trong nghiên cứu. Nghiên cứu xác định những trở ngại cơ bản làm cho nông dân không còn động lực để tiếp tục áp dụng quy trình VietGAP, quay lại sản xuất theo cách làm truyền thống là do nông dân chưa quen với quy trình giám sát và đánh giá thông qua ghi chép nhật ký sản xuất, chi phí tái chứng nhận VietGAP cao, đầu ra thị trường cho sản phẩm VietGAP không ổn định, chi phí sản xuất theo VietGAP cao và lợi nhuận đạt được của việc sản xuất theo VietGAP chưa cao.

Từ khóa: Áp dụng quy trình VietGAP, Hộ trồng xoài; Trở ngại trong áp dụng quy trình VietGAP.

Mở đầu

      Nhằm từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắc khe của người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (VietGAP). Năm 2017, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn TCVN11892-1:2017 về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) - phần I: Trồng trọt. Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP là mục tiêu then chốt của các nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường (Phạm Thị Dinh và cộng sự, 2020).

     Cũng như các địa phương khác, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua đã khuyến khích và hỗ trợ cho không ít nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên một số loại cây ăn trái như xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng, cam sành, nhãn và vú sữa. Trong đó, xoài được xem là một trong những loại cây ăn trái chủ lực ở ĐBSCL và có đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Theo số liệu thống kê, ĐBSCL chiếm 46,1% diện tích và 64,4% sản lượng xoài của cả nước. Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài đạt 193,2 triệu USD, chiếm 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả các loại (Hưng Phú, 2019). Đặc biệt, năm 2019, ĐBSCL đã xuất khẩu lô xoài đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Đến nay, trái xoài của vùng này đã được xuất khẩu đến khoảng 40 nước trên thế giới.

Trong thực tế sản xuất, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao cho người dân. Phần lớn các kết quả nghiên cứu đều cho thấy nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất thường có doanh thu cao hơn so với hộ không áp dụng (Phạm Thị Dinh và cộng sự, 2020; Bùi Xuân Nhã và cộng sự, 2020; Trần Minh Hùng và cộng sự, 2020; Võ Thị Ngọc Nhân, 2014; Dương Ngọc Thành và Nguyễn Vũ Phong, 2014; Nguyễn Duy Cần và cộng sự, 2013). Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra, việc áp dụng VietGAP sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho nông dân (Phạm Thị Dinh và cộng sự, 2020; Bùi Xuân Nhã và cộng sự, 2020; Dương Ngọc Thành và Nguyễn Vũ Phong, 2014). Một số nghiên khác lại lại cho rằng, chi phí sản xuất theo VietGAP thấp hơn so với sản xuất thông thường (Trần Minh Hùng và cộng sự, 2020). Trong khi đó, nghiên cứu của Võ Thị Ngọc Nhân (2014) lại cho thấy, chi phí sản xuất giữa hộ áp dụng và không áp dụng GAP không có sự khác biệt. Điều này cho thấy, với các lại cây trồng khác nhau hay điều kiện áp dụng khác nhau, việc áp dụng quy trình VietGAP sẽ mang lại hiệu quả khác nhau.

    Các nghiên cứu trước cho thấy, việc áp dụng quy chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, diện tích vườn cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP còn rất khiêm tốn và bước đầu cho thấy các mô hình hiện nay thiếu tính bền vững, không ít nông dân ở ĐBSCL sau khi được chứng nhận VietGAP không tiếp tục duy trì áp dụng và quay lại cách làm truyền thống (Trần Quốc Nhân và cộng sự, 2016). Việc sản xuất cây ăn trái nói chung và xoài nói riêng theo tiêu chuẩn VietGAP là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong thời gian gần đây, có một số nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận áp dụng quy trình VietGAP của nông hộ. Nghiên cứu của Loan và cộng sự (2016) cho thấy, diện tích sản xuất, tham gia tổ chức nông dân, khả năng tiếp cận thông tin VietGAP có ảnh hưởng tích cực đến việc tham gia áp dụng VietGAP của hộ trồng vải thiều ở Bắc Giang. Nghiên cứu của Bac và cộng sự (2017) chỉ ra rằng, số lao động gia đình, diện tích sản xuất và nông dân được tập huấn về VietGAP có ảnh hưởng tích cực đến quyết định áp dụng; tuy nhiên, kinh nghiệm sản xuất và tuổi cây có ảnh hưởng nghịch chiều đến việc áp dụng VietGAP của nông dân trồng chè ở Thái Nguyên. Nghiên cứu của Bùi Xuân Nhã và cộng sự (2020) lại cho thấy, kinh nghiệm sản xuất và diện tích đất sản xuất không có ảnh hưởng đến việc áp dụng quy trình VietGAP của hộ trồng chè ở tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu phân tích những trở ngại khiến nông dân không còn động lực tiếp tục duy trì áp dụng quy trình VietGAP. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá những khó khăn và thách thức mà nông dân gặp phải trong quá trình áp dụng quy trình VietGAP với trường hợp hộ sản xuất xoài ở ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu sẽ làm rõ những nguyên nhân làm cho nhiều nông dân không còn động lực để tiếp tục duy trì áp dụng quy trình VietGAP sau khi được cấp chứng nhận. Phương pháp định tính được sử dụng chủ yếu để phân tích số liệu nghiên cứu.

............

Nội dung bài viết gồm những phần sau: 

     1.Số liệu và phương pháp nghiên cứu

     2. Kết quả và thảo luận

     3.  Kết luận

   

     Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 1(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)

 

* Nghiên cứu này là một phần kết quả của đề tài khoa học cấp Trường “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận áp dụng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vào sản xuất cây ăn trái (xoài) của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long”; Mã số T2020-78. Tác giả xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Cần Thơ đã tài trợ kinh phí cho nghiên cứu.


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...