• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và áp dung thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh ở Việt Nam - Đề tài Cấp Bộ năm 2017-2018

Xây dựng và áp dung thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh ở Việt Nam - Đề tài Cấp Bộ năm 2017-2018

07/05/2020

Tác giả: Vũ Quốc Huy và Cộng sự

Năm xuất bản: 2019

Số trang: 126

Mô tả: Đô thị xanh; Bộ chỉ số đô thị xanh; Đề tài cấp Bộ; Kết quả nghiên cứu

       Nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới từ một nước thu nhập thấp lên thành nước có thu nhập trung bình và cơ bản là một nước công nghiệp hoá. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hoá đã và đang được diễn ra với tốc độ nhanh chóng với những hệ luỵ quan trọng đối với quá trình phát triển chung. Vào thời điểm năm 1990 cả nước có khoảng 500 đô thị các loại, với tỷ lệ đô thị hoá khoảng 17-18%. Sau 15 năm phát triển, hiện nay cả nước có gần 800 đô thị, tạo ra trên 70% GDP với tỷ lệ đô thị hoá là 32%. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá sẽ đạt 40% (Lưu Đức Hải, 2016).

       Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị trong quá trình đô thị hoá đã mang lại những cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lớn người dân. Bên cạnh đó, các đô thị ở nước ta cũng đang đối mặt với một loạt những thách thức không nhỏ trong việc tổ chức quản lý đô thị, giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị, nước sạch, vệ sinh, nhà ở các vấn đề môi trường, cảnh quan cũng như các vấn đề xã hội mới phát sinh từ đặc thù của cuộc sống, cách thức quản lý đô thị, tổ chức và quy hoạch không gian, liên kết (Lê Thị Bích Thuận, 2015; Lê Thu Giang, 2015; Lưu Đức Hải, 2016). Vấn đề phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh trong thời gian gần đây đã được đặt ra một cách nghiêm túc trong bối cảnh phát triển mới của nước ta nói riêng và bối cảnh phát triển chung, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đô thị hoá trên quy mô toàn cầu (Trương Văn Quảng, 2013; Lưu Đức Hải, 2016). Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization of Economic and Cooperation Development, OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank, ADB), Liên hợp quốc (United Nations, UN) và Cộng đồng châu Âu (European Union, EU) đã đưa ra các chương trình, nghiên cứu về phát triển đô thị xanh với mục đích nâng cao nhận thức, xây dựng các chương trình hành động phát triển đô thị theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường (OECD,2011; EIU,2014; ADB, 2012). Các nghiên cứu gần đây về xây dựng và thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh của các tổ chức như ADB (2012, 2015), Siemens (2013) đã khẳng định khả năng hiện thực hoá khái niệm đô thị xanh và sử dụng nó như là công cụ trong việc thúc đấy phát triển đô thị theo hướng bền vững.

        Ở nước ta, mặc dù vấn đề đô thị hoá và phát triển đô thị theo hướng bền vững đã và đang được đặt ra một các nghiêm túc, song việc hiện thực hoá khái niệm này còn mới ở giai đoạn ban đầu. Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt các chiến lược, chính sách, chương trình hành động liên quan đến việc thúc đầy phát triển đô thị xanh và bền vững (Chính phủ Việt Nam, 2012a, 2012b). Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2012a) đã đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu rất cụ thể cho việc phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững đến năm 2020 như 60% đô thị loại III và 40% đô thị loại IV, loại V có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định; tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg (Chính phủ, 2009), diện tích cây xanh đạt tương ứng tiêu chuẩn đô thị, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 - 45% và 50%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh. Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 đã nhấn mạnh việc phát triển đô thị “hướng tới nền kinh tế xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương,vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đồng thời đặt ra nhiệm vụ “nghiên cứu phát triển đô thị xanh đảm bảo đô thị hóa nhanh, bền vững”, ban hành bộ chỉ số cạnh tranh đô thị (Chính phủ Việt nam, 2012). Tuy nhiên việc thực hiện các chương trình này còn gặp nhiều khó khăn và việc triển khai chưa được nhiều. Khái niệm ‘đô thị xanh’ còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, phần lớn theo nghĩa hẹp chỉ trong phạm vi không gian, cảnh quan xanh, chưa thực sự gắn với quan điểm phát triển bền vững và tăng trưởng xanh (Lê Thị Bích Thuận, 2016; Trương Văn Quảng, 2013). Có ý kiến còn cho rằng chỉ tập trung phát triển đô thị xanh với các đô thị loại III trở xuống (Lê Thị Bích Thuận, 2016). Ngay cả Báo cáo Việt nam 2035 được công bố mới đây giữa Ngân hàng thế giới (NHTG) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ngân hàng thế giới, 2016), phần nói về những thách thức của đô thị hoá vẫn khá nặng về những vấn đề kỹ thuật, liên kết hạ tầng, quản lý đất đai mà ít đề cập đến các khía cạnh phát triển bền vững của đô thị hiện đại (Ngân hàng Thế giới, 2016). Đầu năm 2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT-BXD về việc quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong đó, các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được chia thành 4 nhóm với 24 chỉ tiêu (Bộ Xây dựng, 2018). Thông tư này được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Bộ chỉ số Đô thị xanh trên thực tế.

       Việc nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm bộ chỉ số phát triển đô thị xanh, do vậy có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Trước hết, nghiên cứu này sẽ góp phần làm rõ bản thân khái niệm đô thị xanh gắn với quan điểm phát triển đô thị bền vững và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu cũng sẽ có đóng góp trong việc góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện Chương trình phát triển đô thị ở các cấp trung ương và địa phương. Bộ chỉ số đô thị xanh sẽ góp phần trong việc nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thực hiện các kế hoạch phát triển đô thị trong bối cảnh mới, đặc biệt là với những thách thức của quá trình đô thị hóa gia tăng và những tác động của biến đổi khí hậu và chuyển dịch kinh tế - xã hội.

        Đề tài sẽ tiến hành thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh cho một thành phố để rút ra các bài học về khả năng áp dụng bộ chỉ số đô thị xanh đối với điều kiện nước ta, đồng thời rút ra một số kết luận về các điều kiện xây dựng và nhân rộng bộ chỉ số này trong tương lai, cũng như khả năng sử dụng bộ chỉ số đô thị xanh như là một công cụ trong quá trình hoạt định, thực thi, giám sát các chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững trong tương lai.

Nội dung báo cáo gồm 3 chương cụ thể như sau:

      Chương 1: Cơ sở lý luận về xây dựng và áp dụng thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh

      Chương 2: Xây dựng và áp dụng thử nghiệm bộ chỉ số đô thị xanh ở Vĩnh Yên

      Chương 3: Đánh giá khả năng, điều kiện áp dụng bộ chỉ số đô thị xanh ở Việt Nam

      Với kết cấu 3 chương, báo cáo đã khái quát lên một bức tranh đô thị đã và đang được đô thị hoá và phát triển đô thị theo hướng bền vững. Đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn trong các thảo luận chính sách ở nước ta. Chính phủ đã thông qua một loạt các chiến lược, chính sách, chương trình hành động liên quan đến việc thúc đầy phát triển đô thị xanh và bền vững với những chỉ tiêu chủ yếu rất cụ thể cho việc phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững cho giai đoạn phát triển mới ở nước ta. Đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện, xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát đánh giá hiện trạng và quá trinh thực hiện chính sách nhằm góp phần đề xuất, phê duyệt, điều chỉnh và thúc đấy thực hiện các giải pháp phát triển đô thị xanh. Việc hoàn thiện các công cụ theo dõi giám sát, trong đó có việc áp dụng hệ thống chỉ tiêu và Bộ chỉ số đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hỗ trợ, thúc đấy chính sách này.

      Bộ chỉ số Đô thị xanh do nhóm nghiên cứu đề xuất và áp dụng thử nghiệm tại thành phố Vĩnh Yên đã kế thừa và vận dụng linh hoạt kinh nghiệm xây dựng Bộ chỉ số đô thị xanh trên thế giới đối với điều kiện của thành phố Vĩnh Yên. Bộ chỉ số đảm bảo tính bao quát, nhất quán về mặt phương pháp và đã chứng tỏ có thể triển khai và thực hiện được. Các quan sát thực tế cũng cho thấy các kết quả và đánh giá chung rút ra từ Bộ chỉ số đã phản ánh tương đối chính sách tình hình thực tế tại địa phương và có thể sử dụng tốt trong việc cung cấp các thông tin, bằng chứng thực tế và phân tích khoa học cho các Báo cáo về môi trường và phát triển đô thị xanh và bền vững trong tương lai.

      Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng xin trân trọng giới thiệu quý độc giả về kết quả nghiên cứu trên. Hy vọng đây là nguồn tư liệu, tài liệu bổ ích đối với độc giả tham khảo. Mọi thông tin tham khảo chi thiết, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng theo số Điện thoại của thủ thư: Nguyễn Thị Đậm - 0986.534.092. email: dam.sdin@gmail.com.

 Xin trân trọng giới thiệu!

 


[1]Siemens (2013) đã xây dựng bộ chỉ số đô thị xanh áp dụng cho một số thành phố ở châu Âu bao gồm 16 chỉ số định tính và 14 chỉ số định lượng theo 8 nhóm khác nhau từ năm 2009. Bộ chỉ số này sau đó đã được điều chỉnh cho phù hợp và áp dụng thử nghiệm tại các nước châu Phi, châu Á và Mỹ la tinh.

Các sách khác:

Tác giả: Tác giả: Vũ Quốc Huy và Cộng sự
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết