Cách Italia trở lại từ khủng hoảng Covid-19
HƯƠNG THẢO
Kinhtedothi - Italia từng là ổ dịch Covid-19 chết chóc nhất thế giới vào năm ngoái. Nhưng với chính những kinh nghiệm xương máu đó, hầu hết người Italia lúc này tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của Chính phủ - có phần nghiêm khắc hơn so với các nước phương Tây khác - để hướng tới cuộc sống bình thường mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Pfizer/Biotech cho một cụ già hơn 80 tuổi
tại bệnh viện Santa Maria della Pieta, Rome. Ảnh: AP
Đẩy mạnh tiêm chủng, tạo luồng xanh
Kể từ ngày 6/8, Chính phủ Italia yêu cầu người dân phải xuất trình thẻ xanh (Green Pass) - bao gồm Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 số của Liên minh châu Âu - để được tham dự các sự kiện lớn, ăn trong nhà hàng, đến phòng tập thể dục và nhiều hoạt động khác. Về cơ bản, thẻ xanh là một dạng “hộ chiếu vaccine”, xác nhận người sở hữu nó có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ, đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Theo một cuộc khảo sát do SWG Research thực hiện, hơn 50% người Italia ủng hộ việc xuất trình thẻ xanh để kiểm soát các hoạt động khác ngoài việc đi du lịch. Các doanh nghiệp cũng hoan nghênh thẻ xanh như một công cụ tạo luồng xanh, để tránh phải áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Khi biến thể Delta nguy hiểm hơn lây lan nhanh chóng, Chính phủ Italia đang nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm vaccine, và yêu cầu về thẻ xanh dường như đã thúc đẩy nhiều người đi tiêm phòng hơn.
Ngay sau khi Thủ tướng Mario Draghi đưa ra các yêu cầu về thẻ xanh vào ngày 22/7, một số khu vực tại Italia đã ghi nhận nhiều lượt đặt lịch hẹn tiêm vaccine, bao gồm Abbruzzo, Lazio, Lombardia, Piemonte và Toscana. Tính đến ngày 4/8, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc của Italia đã vượt Mỹ, với 53% người dân đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 50%. Cùng lúc đó, 64% dân số Italia đã được tiêm mũi đầu tiên, còn tại Mỹ là 58%.
CNA dẫn lời Ủy viên phụ trách tình trạng khẩn cấp Covid-19 của Italia Francesco Paolo Figliuolo cho biết, nước ông đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số vào cuối tháng 9 tới. Tỷ lệ này, theo tiến sĩ Giovanni Rezza - Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Italia, sẽ cho phép đất nước trở lại trạng thái bình thường trong những tháng đầu năm 2022.
Cảnh sát địa phương nhắc nhở một người đeo khẩu trang tại Sicily, Italia. Ảnh: Reuters
Thay đổi để thích ứng và những điều “bất di bất dịch”
Trong hơn 1 năm, giới chức Italia đã phân loại các vùng dịch bằng một số màu sắc được chỉ định - trắng, vàng, cam, đỏ - theo thứ tự mức độ khẩn cấp, dựa trên số ca nhiễm Covid-19 của khu vực. Tuy nhiên, Chính phủ Rome ngày 22/7 đã quyết định thay đổi, với việc phân loại hàng tuần dựa trên cả tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 dân. Theo đó, một khu vực sẽ chuyển thành "vùng đỏ" khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 hàng tuần tăng trên 150 ca/100.000 dân, tỷ lệ cần chăm sóc đặc biệt là 30% và tỷ lệ nhập viện nói chung là 40%.
Với cách phân loại này, hệ thống màu sắc được cho thể hiện chính xác hơn mức độ nghiêm trọng của đại dịch tại mỗi khu vực. Điều này dựa trên tình hình thực tế hiện nay ở Italia, khi tỷ lệ người mắc Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt và nguy kịch thấp, lần lượt là 3% và 4% tính đến ngày 4/8, nhờ triển khai tiêm chủng rộng rãi. Thay đổi đã được các lãnh đạo khu vực ủng hộ mạnh mẽ.
Tại Italia, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn cho phép nhân viên lựa chọn làm việc trực tuyến, đặc biệt những nhân viên có nguy cơ mắc bệnh cao. Khi những nhân viên không thuộc nhóm có nguy cơ trở lại làm việc, họ sẽ chia ca luân phiên, duy trì ít người hơn trong văn phòng cùng một lúc.
Một số công ty, bao gồm cả những doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng tại Italia, cũng đang chủ động thực hiện các biện pháp để đảm bảo tuân thủ quy định phòng dịch. Chẳng hạn, Ferrari - công ty phải đóng cửa nhà máy chính ở Maranello 3 ngày trước khi Italia áp đặt lệnh phong toả toàn quốc trong làn sóng dịch đầu tiên - đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nội bộ để đảm bảo nhân viên tuân thủ các quy định và khuyến cáo của Chính phủ.
Khi những hạn chế xã hội đang dần được nới lỏng tại Italia, một số quy định vẫn là "bất di bất dịch", chẳng hạn như yêu cầu đeo khẩu trang. Ngoại lệ duy nhất đối với việc đeo khẩu trang là trẻ em dưới 6 tuổi hoặc người khuyết tật và người chăm sóc của họ - vì đeo khẩu trang sẽ cản trở việc giao tiếp hoặc chăm sóc.
Các địa điểm du lịch Italia đã được phép mở cửa trở lại vào mùa Hè này, nhưng với điều kiện mọi du khách và nhân viên phục vụ tại bãi biển, nhà hàng và quán bar đều phải tuân thủ việc đeo khẩu trang cũng như thực hiện các yêu cầu khác của Chính phủ khi cần thiết.