Nghiệm thu đề tài “Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới”
Chiều ngày 13/06/2020 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước đã đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới”, mã số: TN17/X04. Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế (Chương trình Tây Nguyên 2016 -2020). Đề tài do Viện Nghiên cứu Châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, TS. Vũ Tuấn Hưng làm Chủ nhiệm đề tài.
Đề tài “Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập mới” được phân tích, đánh giá dưới góc độ nhìn nhận vai trò của các tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư các đồng bào dân tộc thiểu số của Tây Nguyên cũng như trong mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển, phát triển nhằm bảo tồn, và bảo tồn để phát triển.
Nghiên cứu đã chỉ ra: Tây Nguyên là một vùng có nhiều tiềm năng về tài sản trí tuệ, trong đó, đặc biệt là các tài sản trí tuệ gắn với văn hóa bản địa, tri thức truyền thống và vô vàn sản phẩm đặc trưng Tây Nguyên.
Các nội dung chính của đề tài gồm:
- Khái luận chung về bảo tồn, phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên
- Kinh nghiệm quốc tế với thực tiễn của Nhật Bản, Cộng hòa Pháp về bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ
- Đánh giá tiềm năng phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên
- Nghiên cứu thực trạng bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay
- Đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của của nó trong công tác bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên
- Đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp chính sách cho bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu. TS Vũ Tuấn Hưng, Chủ nhiệm đề tài nhiệm vụ đã nêu bật các đóng góp, phát hiện của đề tài trong quá trình nghiên cứu về nội dung, cũng như các sản phẩm cụ thể. Đề tài đã có nhiều ứng dụng thực tiễn trong tư vấn chính sách, trong hỗ trợ xây dựng chương trinh đào tạo và hỗ trợ mô hình cụ thể của địa phương Tây Nguyên trong xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ gắn với doanh nghiệp khai thác các giá trị bản địa, chủ lực của Tây Nguyên.
Đề tài đã công bố 10 bài tạp chí khoa học, trong đó có 01 bài tạp chí quốc tế, 09 bài tạp chí trong nước; 01 sách chuyên khảo và 01 bản thảo sách (sẽ in sau khi đề tài được nghiệm thu chính thức); đào tạo 04 thạc sĩ và góp phần đào tạo 02 NCS tiến sĩ.
Điểm đặc biệt của đề tài này đã đăng kí thành công 02 bản quyền tác giả, ứng dụng và hỗ trợ 04 doanh nghiệp thực tiễn. Kết quả của đề tài được ứng dụng góp phần xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ của Khoa Khoa học Quản lý, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học đã thảo luận, xem xét đối với từng nội dung nghiên cứu của đề tài và thống nhất đánh giá các kết quả nghiên cứu đạt được như sau: Các sản phẩm của đề tài đáp ứng chất lượng, vừa có giá trị khoa học vừa có giá trị thực tiễn. Về mặt số lượng và sản phẩm: Đề tài đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của Hợp đồng nghiên cứu KH&CN đã ký, ngoài ra đề tài đã hoàn thành vượt mức mọi sản phẩm so với yêu cầu của hợp đồng.
Đề tài đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước nghiệm thu và thông qua.
PV.
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam