• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo quốc tế: “Mô hình chuỗi cung ứng ngắn và chính sách chuỗi cung ứng ngắn ở một số nước Liên minh Châu Âu: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”

Chiều ngày 28/5/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Mô hình chuỗi cung ứng ngắn và chính sách chuỗi cung ứng ngắn ở một số nước Liên minh Châu Âu: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ tổ chức (Mã số 01/2019/NCUD), với mục đích xây dựng hoàn thiện khung lý thuyết cũng như đánh giá kinh nghiệm triển khai chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản tại Liên minh châu Âu. Hội thảo được tổ chức theo hình thức Online và Offline, gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nhà nghiên cứu và giảng viên của các viện nghiên cứu, trường đại học liên quan tại Hà Nội : Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội … Đại diện các tổ chức quốc tế như : FNF Cộng hòa Liên bang Đức, Oxfam, Helvetas, UNIDO… và đông đảo các nhà nghiên cứu trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng và PGS.TS. Nguyễn An Hà đồng chủ trì Hội thảo

Việt Nam là thị trường năng động với dân số hơn 90 triệu người, đa phần đang trong độ tuổi lao động do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm là rất lớn. Theo Euromonitor International, tiêu thụ lương thực thực phẩm của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 11,4% trong giai đoạn 2014 – 2018. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là chưa bao giờ nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân trên cả nước lại cấp bách như hiện nay và cũng chưa bao giờ người tiêu dùng lại mất lòng tin vào các sản phẩm nông sản của Việt Nam nhiều như vậy.

Bên cạnh đó, việc sản xuất và phân phối các sản phẩm nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng ở Việt Nam vẫn tồn tại những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được trên diện rộng. Một trong những điểm yếu nhất phải kể đến là khâu cung ứng thực phẩm hiện nay vẫn chủ yếu theo mô hình truyền thống với nhiều tầng, công đoạn trung gian, khiến cho người tiêu dùng không có sự tương tác trực tiếp với người sản xuất nông nghiệp. Bối cảnh hiện nay, khi sức ép từ nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn ngày càng lớn tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có cho các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn là một trong những phương thức cần thiết phải khuyến khích phát triển.

Chuỗi cung cấp thực phẩm ngắn (SFSC) được định nghĩa là hệ thống thực phẩm có mối quan hệ trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng bao gồm các hình thức bán hàng trực tiếp khác nhau như cửa hàng nông trại, chợ nông sản, cửa hàng thực phẩm địa phương hoặc mở rộng theo không gian để xuất khẩu. SFSC thường được coi là một cách để thực hiện một hệ thống thực phẩm bền vững hơn, cung cấp thực phẩm lành mạnh và chất lượng tốt hơn với giá cả hợp lý, nhiều giá trị gia tăng hơn cho các nhà sản xuất thực phẩm và bảo vệ môi trường. SFSC cũng có thể được coi là phương tiện để tái cấu trúc chuỗi thực phẩm nhằm hỗ trợ các phương pháp canh tác bền vững và tạo ra sinh kế dựa vào trang trại có khả năng phục hồi.

SFSC có đặc điểm là ít trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đôi khi người sản xuất phân phối sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn nhằm mục đích cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm phản ánh các đặc điểm như: bản sắc địa phương, bản chất, sự lành mạnh và đáng tin cậy. Các chính sách và/hoặc quy định khuyến khích phát triển SFSCs bền vững cho đến nay vẫn chưa có ở mức độ lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, mối liên kết trực tiếp giữa nông dân và các doanh nghiệp / hợp tác xã nông nghiệp còn yếu với nhiều khâu trung gian dẫn đến thiếu các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Chuỗi cung ứng ngắn (Short food supply chain) có thể hiểu một cách đơn giản chính là sự giảm thiểu tối đa các thành viên tham gia trong chuỗi cung ứng với 03 đặc trưng chủ yếu là: (1) Khoảng cách về mặt địa lý: được đo bằng khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng; (2) số lượng các đơn vị trung gian tham gia vào chuỗi và (3) Sự kết nối, tương tác giữa người tiêu dùng và người sản xuất. Chuỗi cung ứng ngắn hướng tới mục tiêu cung cấp đến tay người tiêu dùng những sản phẩm phản ánh các đặc điểm như: “bản sắc địa phương”, “tự nhiên”, “lành mạnh” và “đáng tin cậy”…

Hình  thức cung ứng sản phẩm nông sản mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia như đối với hộ nông dân, thì phương thức này chính là kênh để đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tới sản xuất tốt hơn, sạch hơn, thu được giá trị gia tăng cao hơn và nhờ đó bảo đảm doanh thu ổn định hơn; đối với người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính địa phương của mình làm ra với chi phí phù hợp hơn; đối với nhà nước, chuỗi cung ứng ngắn đóng vai trò là một công cụ hữu ích trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho các nông hộ, phát triển hợp tác xã, gắn kết các nông hộ, tạo lập hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn, chiến lược thực phẩm tích hợp, phát triển kinh doanh và doanh nhân, hệ sinh thái khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng thân thiện về xã hội và môi trường…

 

Quang cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, hiện nay, SFSCs gần như là một khái niệm mới ở Việt Nam và chưa thu hút được nhiều sự quan tâm. Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích phát triển SFSCs  bền vững. Đồng thời, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp / hợp tác xã nông nghiệp còn yếu; Các hợp tác xã và nông dân - những tác nhân chính trong SFSC thường bị hạn chế trong việc tiếp cận với kiến ​​thức về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiếp thị sản phẩm và công nghệ tiên tiến, ... Do đó, các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp không có điều kiện ổn định để đáp ứng các yêu cầu đối với các quy định của EU. Hệ thống phân phối nông sản còn nhiều bất cập và liên quan đến nhiều khâu trung gian. Do đó, các nhà sản xuất nông nghiệp phải vật lộn với một số vấn đề bao gồm biến động giá mạnh, hạn chế tài chính để thực hiện đổi mới công nghệ.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, thì thiết lập các chính sách hỗ trợ tiếp thị, thương mại và quảng bá sản phẩm, nông dân thường là tác nhân chính trong SFSCs, nhưng họ gặp khó khăn lớn trong việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Do đó, các chính sách hỗ trợ về tiếp thị và quảng bá sản phẩm đã giúp họ rất nhiều khi tham gia vào các chuỗi ngắn, nơi họ trực tiếp giới thiệu, quảng cáo và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Có một số loại khía cạnh hỗ trợ như hỗ trợ hậu cần cho thị trường địa phương, hỗ trợ kỹ thuật để tạo nền tảng tiếp thị; năng lực đàm phán; tiếp cận các dịch vụ tiếp thị và sản xuất; hỗ trợ phát triển các cửa hàng bán lẻ tập thể để tạo điều kiện chứng nhận sản phẩm; phát triển nhãn hiệu sản phẩm logo và nhãn hiệu, v.v…

Hội thảo tập trung vào những nội dung chính sau :

(i)- Các yếu tố hỗ trợ hoặc ngăn cản sự phát triển của SFSC bền vững;

(Iii)-Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan chính trong việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp;

(iii)- Mô hình hóa và các chính sách ở Liên minh Châu Âu và các nước khác;

(iv)- Tình hình hiện tại của SFSCs tại Việt Nam;

(v)- Khuyến nghị chính sách liên quan đến phát triển chuỗi cung ứng lương thực ngắn bền vững và vai trò của các bên liên quan khác trong SFSC.

Hội thảo nhận được 13 báo cáo tham luận gửi đến, có 07 báo cáo đã được trình bày về các chủ đề:

(1): Rafał Serafin - Prezes/President – Chủ tịch Quỹ Đối tác Môi trường Ba Lan: “Kinh nghiệm của Ba Lan về chuỗi cung ứng ngắn trong bối cảnh của Liên minh Châu Âu”;

(2): Dr. David McNeill, Đại học Queensland, Australia “Chuỗi cung ứng ngắn tại Austrailia”;

(3): PGS. TS. Preslav Dimitrov, Trưởng khoa Kinh tế và Trưởng khoa “Du lịch” tại Đại học South-West: “Chuỗi cung ứng của ngành du lịch Bungari trong thời kỳ Covid”;

(4): PGS. TS. Dimitrios Aidonis, Khoa Quản lý Chuỗi Cung ứng Đại học Quốc tế Hellenic – Hy Lạp: “Các chính sách và xu hướng ở EU về tính bền vững và chuỗi cung ứng ngắn”;

(5): PGS. TS, Gary Fragidis- Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc tế Hellenic- Hy Lap: “Thực trạng chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn ở Hy Lạp”;

(6): Dr. Agata Malak-Rawlikowska – Nhà nghiên cứu cao cấp PGS.TS. Viện Kinh tế và Tài chính, Khoa Kinh tế, Đại học Khoa học Đời sống Warsaw- Ba Lan: “Đo lường tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội của các chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn - các nước Châu Âu và Việt Nam”;

(7): PGS. TS. Bui Thi Nga – Học viện nông nghiệp Việt Nam: “SFSCs - cơ hội và lợi ích cho các chủ sở hữu nhỏ trong nông nghiệp ở Việt Nam”.

Hội thảo là một diễn đàn quốc tế để giới thiệu, tranh luận và thảo luận các vấn đề nhức nhối, như: Các yếu tố hỗ trợ hoặc ngăn cản sự phát triển của chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn bền vững; tăng cường sự tham gia của các bên liên quan chính trong việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; Mô hình hóa và các chính sách ở Liên minh Châu Âu và các nước khác; Tình hình hiện tại của SFSCs tại Việt Nam; Khuyến nghị chính sách liên quan đến phát triển chuỗi cung ứng lương thực ngắn bền vững và vai trò của các bên liên quan khác trong SFSC.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu trao đổi tại Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ chuỗi cung ứng ngắn và chính sách chuỗi cung ứng ngắn ở một số nước Liên minh Châu Âu, đồng thời gợi mở một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Qua đó, góp phần mang lại cái nhìn đa chiều, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

 


Nguồn:https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1254 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan