Hội thảo khoa học quốc gia: “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp”
Sáng ngày 28/6/2021, hội thảo khoa học quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị Gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của trên 300 đại biểu, gồm đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực gia đình và giới; Hội Liên hiệp phụ nữ 63 tỉnh/thành phố. Đồng chí Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo hai cơ quan đồng chủ trì hội thảo.
Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chị thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005 và Chỉ thị 06 CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư xác định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đầu tư cho gia đình, vì vậy, cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.
Chủ tịch Bùi Nhật Quang tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga được bầu vào
Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII và Đại biểu Quốc hội khóa XV
Qua các thời kỳ phát triển, mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn luôn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc và phát triển đất nước. Xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trở thành nguồn lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu phát triển con người, phát triển đất nước đang là yêu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh chuẩn mực gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chủ tịch Hà Thị Nga nêu rõ: “việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ, của xã hội; đồng thời xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội Phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại hội thảo
Đồng chí nhấn mạnh, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đặt chương trình hành động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì thế, việc nghiên cứu, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội; xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Đồng thời, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn về việc cần quan tâm đến bốn nhóm giá trị gia đình thời gian tới, gồm: các giá trị đạo đức, nề nếp, nhân văn trong văn hóa gia đình; giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình; các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng; yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá, hội thảo thể hiện đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội XIII về gia đình; cụ thể hóa được những nhiệm vụ, những hoạt động mà các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn cần tiếp tục triển khai để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Đồng thời, khuyến nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xem xét, xây dựng phong trào thi đua vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, lấy phụ nữ và hội phụ nữ các cấp làm hạt nhân nhằm bảo vệ các truyền thống giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giúp từng gia đình và hệ thống chính sách có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức của môi trường khách quan, để gia đình thực sự là nơi an toàn cho mỗi cá nhân tìm về, vợ chồng bình đằng, cùng nhau xây dựng gia đình thịnh vượng, bền vững và văn hóa, góp phần phát triển xã hội bền vững, hạnh phúc.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày Báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới nêu rõ các biểu hiện của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống luật pháp, chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của gia đình. Bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị,… Báo cáo chỉ rõ “thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước”. Từ đó, báo cáo khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là An toàn, Thịnh vượng, Trách nhiệm, Bình đẳng giới.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung: (i) Các giá trị đạo đức, nền nếp, nhân văn trong văn hóa gia đình Việt Nam; (ii) Giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình Việt Nam; (iii) Các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng; (iv) Yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam…
Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, quản lý, xây dựng chính sách, hoạt động thực tiễn, quy tụ được sự thảo luận từ cả góc độ khoa học và thực tiễn với 52 bài viết đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của giá trị gia đình cả về mặt khái niệm, lý luận, phương pháp và những giá trị thực tiễn thông qua các khuyến nghị chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học tin cậy. Từ các giá trị gia đình truyền thống đến hiện đại, từ các giá trị gia đình chung, đến các giá trị của nhóm gia đình cụ thể, từ bàn luận các vấn đề lí luận đến thực tiễn của các lĩnh vực giá trị gia đình, như giá trị hôn nhân, con cái, quan hệ gia đình, giáo dục gia đình, kinh tế hộ, các vấn đề tâm lý, tình cảm của gia đình; sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và các thiết chế xã hội khác. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc nghiên cứu, xác định và triển khai gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, như định hướng tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng để vun đắp, kết nối yêu thương các gia đình cần quan tâm đến bốn nhóm giá trị gồm: các giá trị đạo đức, nề nếp, nhân văn trong văn hoá gia đình; giá trị hôn nhân và con cái trong gia đình; các giá trị kinh tế của gia đình hướng tới xây dựng gia đình sung túc, thịnh vượng và yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong gia đình Việt Nam. Các đại biểu cũng khẳng định, gia đình Việt Nam đang có sự biến đổi sâu sắc về cấu trúc và quy mô, chức năng, thang giá trị gia đình, mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và các thiết chế xã hội khác. Điều này đặt ra những yêu cầu đối với việc nghiên cứu, xác định và triển khai gắn với giữ gìn, phát triển giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam; đề xuất gợi ý các phong trào, cuộc vận động về gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp để triển khai thời gian tới.
Quan cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội
Diễn ra vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, hội thảo có ý nghĩa sâu sắc, nhằm trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam; những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm của Hội LHPN Việt Nam; đồng thời, đề xuất, gợi ý các phong trào, cuộc vận động về gia đình với những tiêu chí cụ thể phù hợp để triển khai thời gian tới.
Nguyễn Thị Đậm - Sưu tầm tin