• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo: Báo cáo kết quả nghiên cứu hành vi tìm kiếm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Được sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF, Viện Xã hội học phối hợp với Vụ Sức khoẻ sinh sản của Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu về “Hành vi tìm kiếm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên” tại 4 tỉnh là Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông.

     Đề tài do TS. Đinh Thị Phương Hoà làm chủ nhiệm; Trưởng nhóm nghiên cứu là TS. Trịnh Hoà Bình cùng các cán bộ nghiên cứu ở Vụ Sức khoẻ sinh sản và Viện Xã hội học Viện KHXH Việt Nam.

       Với mong được chia sẻ kết quả nghiên cứu để cải thiện tình hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ngày 20 tháng 7 năm 2007, Vụ Sức khoẻ sinh sản Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo: “Báo cáo kết quả nghiên cứu hành vi tìm kiếm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên”

     Tham gia hội thảo có BS. Nguyễn Đình Loan, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ sinh sản; Đại diện UNICEF; TS. Đinh Thị Phương Hoà, Phó vụ trưởng - Vụ Sức khoẻ sinh sản; TS. Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học; các cán bộ Vụ Sức khoẻ sinh sản và một số nhà nghiên cứu.

     Trong phát biểu khai mạc hội thảo BS. Nguyễn Đình Loan cho rằng việc điều tra và nắm được thực trạng tình hình dịch vụ sức khoẻ bà mẹ tại các tuyến của hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở 4 tỉnh Tây Nguyên về cả hai khía cạnh: người cung cấp và người sử dụng dịch vụ y tế có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để nghiên cứu đề xuất những chính sách đầu tư cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cũng như nâng cao hiệu quả của việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên.   

     Không phải tất cả các phụ nữ đều được hưởng những thành quả về chăm sóc sức khoẻ như nhau. Sự khác biệt rất lớn giữa các vùng địa lý và giữa các vùng kinh tế xã hội còn là một thực tế khó chấp nhận. Tỷ lệ tử vong của các bà mẹ ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía Bắc cao gấp 4-8 lần so với những vùng đồng bằng. Tiếp cận dịch vụ y tế còn rất khó khăn cho các vùng núi và các vùng hẻo lánh, vì thế ở một số xã, huyện còn có tới hơn 70% bà mẹ sinh nở tại nhà dẫn đến hậu quả là tỷ lệ tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh rất cao trong các khu vực này.

Kết quả nghiên cứu “Đánh giá hành vi tìm kiếm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số” của nhóm thực hiện đề tài cho thấy ngành y tế nói chung và các địa phương khu vực Tây Nguyên nói riêng đã có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và đến nay đã có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên công tác này có một số khó khăn hạn chế. Kiến thức, hiểu biết của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên về chăm sóc sức khoẻ trước, trong và sau sinh còn rất hạn chế, mơ hồ thậm chí còn hiểu sai. Mô hình hành vi tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn mang tính bị động. Ở đây còn tồn tại nhiều phong tục tập quán, thói quen có ảnh hưởng xấu đến hành vi chăm sóc sức khoẻ, coi việc sinh nở là chuyện kín đáo, cúng bái, tin vào các bà đỡ. Bên cạnh đó thì khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, năng lực kinh tế của gia đình, trình độ học vấn, ngôn ngữ cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ của phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng như chồng, người thân đối với hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, chưa khuyến khích được phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế.

Khi nghiên cứu về “Hành vi tìm kiếm và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên”, nhóm đề tài đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của phụ nữ dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ: Tuyên truyền nhằm xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, giúp người dân thấy rõ lợi ích của việc đến với cơ sở y tế để chăm sóc sức khoẻ thông qua hoạt động nâng cao năng lực hệ thống y tế; Ưu tiên các chính sách nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí và học vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng tốt; Tập huấn nâng cao năng lực cho các bà đỡ; Đưa chương trình giáo dục sức khoẻ vào hệ thống giáo dục quốc dân; Khuyến khích phụ nữ và cộng đồng tham gia vào các hoạt động, chương trình liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

                                          Minh Thuỷ

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...