Hội thảo khoa học “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”
Chiều ngày 30/11/2020, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng (IRSD) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Covid-19, đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện trưởng IRSD và các Phó Viện trưởng là TS. Bạch Hồng Việt và TS. Vũ Tuấn Hưng; các đại biểu đến từ các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Việt Nam MB Bank; Công ty cổ phần đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, Hợp tác xã dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam; Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan trong và ngoài Viện Hàn lâm.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho rằng: Covid-19 đã xuất hiện và lan rộng tới hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và từ một cú sốc y tế, đại dịch đã liên tiếp tạo ra những cú sốc về kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn cầu. Có thể thấy, sự bùng phát và hậu quả của đại dịch lần này là chưa từng có. Sự tấn công tổng lực của đại dịch trên các khía cạnh của đời sống cho thấy một thế giới mà chúng ta đang sống còn mong manh và thiếu bền vững. Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Liên Hợp quốc đã khẳng định, thế giới không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra vào năm 2030. Sự xuất hiện và lây lan của Covid-19 đã tác động tiêu cực tới việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) và đe dọa cả những thành tựu đã đạt được trên nhiều lĩnh vực. Đại dịch Covid-19 thậm chí làm kéo lùi nhiều năm tiến trình thực hiện các mục tiêu PTBV trên toàn cầu.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, TS. Nguyễn Đình Chúc gửi lời cám ơn sâu sắc sự có mặt của PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Đây chính là động lực lớn cho Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng phát triển hơn nữa trong tương lai.
TS. Nguyễn Đình Chúc, Viện trưởng Viện IRSD trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Chúc đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo, đây là sự kiện đánh dấu bước đường 15 năm qua trong sứ mệnh “Nghiên cứu, tư vấn, đào tạo một cách hiệu quả và chất lượng những tri thức, giải pháp và kỹ năng mới về PTBV cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, trên cơ sở trách nhiệm với con người, xã hội và môi trường sinh thái”. Đồng thời, TS. Nguyễn Đình Chúc cũng nêu bật mục tiêu của hội thảo hướng đến: (1) Bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn về PTBV trong bối cảnh và các cú sốc, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay; (2) Phân tích những tác động của đại dịch Covid-19 đến các khía cạnh của PTBV ở Việt Nam; (3) Khuyến nghị một số giải pháp thực hiện PTBV tại Việt Nam hậu Covid-19. Qua đó, TS. Nguyễn Đình Chúc mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các nhà lập chính sách, các tổ chức cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam vì sự phát triển toàn diện của con người, để không ai bị bỏ lại phía sau như sứ mệnh mà các mục tiêu PTBV đã đặt ra.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận với 5 báo cáo được trình bày tập trung vào những nội dung chính:
=> Những vấn đề lý thuyết về PTBV và việc ứng dụng các lý thuyết về PTBV trong bối cảnh các cú sốc như Covid-19.
=> Ứng phó của các quốc gia với Covid-19 trong các lĩnh vực liên quan đến PTBV.
=> Những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nảy sinh liên quan đến PTBV trong bối cảnh đại dịch Covid-19, như: Tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, sử dụng và phân bổ nguồn lực, chuỗi cung ứng, thị trường; Lao động việc làm, bất bình đẳng và phúc lợi xã hội; Y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường; Tác động của Covid-19 đối với các ngành: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch;
=> Các giải pháp PTBV trong bối cảnh các cú sốc như đại dịch, thảm họa, thiên tai.
Đánh giá những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế nước ta và tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ ở mức thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra (6,68%). Cuộc khủng hoảng y tế này có thể sẽ kết thúc vào thời gian tới khi vắc-xin ngừa COVID-19 được các nước sản xuất và tiêm phòng trên diện rộng.
TS. Phạm Sĩ An – Trình bày tham luận tại Hội thảo
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này khoét sâu thêm nhiều vấn đề có tác động dài hạn lên nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, làm đảo ngược xu thế toàn cầu hóa khi một số quốc gia dựng lên các rào cản phi thương mại nhằm bảo hộ hàng hóa nước mình. Hơn nữa, cú sốc do dịch COVID-19 đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận mô hình tăng trưởng vốn đã phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu (có giá trị gia tăng thấp) và các doanh nghiệp FDI...
TS. Vũ Thị Thu Hằng – Trình bày tham luận tại Hội thảo | PGS.TS. Phạm Thanh Bình – Trình bày tham luận tại Hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu không chỉ thảo luận về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến quá trình phát triển bền vững mà còn đề xuất những khuyến nghị về chính sách, cách thức giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội trong bối cảnh đầy thách thức của dịch COVID-19 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới. Các đề xuất các giải pháp cụ thể như: Việt Nam cần theo dõi sát tình hình dịch trong nước và quốc tế, đánh giá khách quan những biến động tác động tâm lý của người dân cũng như mức độ ảnh hưởng tới kinh tế. Việt Nam cần linh động xây dựng kịch bản phát triển và kế hoạch ứng phó kịp thời, đặc biệt là những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội đi kèm với chống dịch.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Trình bày tham luận tại Hội thảo | ThS. Đinh Thị Ninh Giang - Trình bày tham luận tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề PTBV trong các lĩnh vực: tăng trưởng, chuỗi cung ứng, lao động- việc làm, du lịch, môi trường… trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới Việt Nam cũng như các đối tác của Việt Nam; sự thay đổi các mục tiêu PTBV cùng tiến trình đạt được và định hình các mục tiêu đó.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo này là hoạt động có ý nghĩa và cấp thiết để các nhà chính sách, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng trao đổi và bàn về các vấn đề phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay; phân tích những tác động của đại dịch COVID-19 đến các khía cạnh của phát triển bền vững ở Việt Nam; đồng thời, khuyến nghị một số giải pháp thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam hậu COVID-19.
Một số hoạt động bên lề Hội thảo: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập viện (2005-2020). Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã dần vươn lên trở thành đơn vị nghiên cứu có đóng góp đáng kể vào nghiên cứu về vùng và phát triển bền vững trong cả nước. Viện có đội ngũ chuyên gia chất lượng cao gồm 37 cán bộ, trong đó có 12 phó giáo sưc và tiến sĩ, 22 thạc sĩ, là cán bộ nghiên cứu được đào tạo chuyên môn bài bản từ các trường Đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Viện đã thực hiện hơn 100 đề tài các cấp, trong đó có 8 đề tài cấp Nhà nước, 40 đề tài cấp bộ và trên 50 đề tài, dự án với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.
Lãnh đạo và cán bộ hiện tại của viện chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo qua các giai đoạn
Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, không chỉ thảo luận về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến quá trình PTBV mà còn đề xuất những khuyến nghị về chính sách, về cách thức giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh đầy thách thức của dịch bệnh để “đạt được một cách bền vững các mục tiêu PTBV” trong thời gian tới.