• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu Hệ thống các thư viện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Hệ thống các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay gồm 1 thư viện tổng hợp và 31 thư viện chuyên ngành của 32 viện nghiên cứu và đơn vị trực thuộc. Thư viện Khoa học xã hội là thư viện tổng hợp đa ngành do Viện Thông tin Khoa học xã hội quản lý và là cơ quan đứng đầu Hệ thống.

Hệ thống các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là những cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo sau đại học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và các yêu cầu tin khác của xã hội về tư liệu khoa học xã hội và nhân văn.

Các thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện hiện đang lưu giữ một nguồn tài nguyên thông tin về khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất cả nước trong đó có nhiều bộ sưu tập tài liệu quý hiếm được coi là tài sản quốc gia, di sản văn hoá dân tộc như các bản văn khắc Hán Nôm, văn bia, thư tịch cổ, hương ước… và nhiều loại đặc biệt khác như ảnh lịch sử, bản đồ…

Nguồn tài nguyên thông tin này còn bao gồm nhiều loại tài liệu “xám” đa dạng về hầu hết các lĩnh vực như văn học, sử học, dân tộc học, khảo cổ học, kinh tế học, xã hội học… là kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, trong đó có nhiều công trình khoa học tiêu biểu được Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và được trao tặng các danh hiệu cao quý là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh đó là 32 tạp chí khoa học do các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản, hàng năm cung cấp một số lượng lớn các bài nghiên cứu và thông tin về khoa học xã hội, phản ánh các diễn đàn trao đổi học thuật, cung cấp và phổ biến thông tin khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam và các nước.

Nguồn tư liệu khoa học của Hệ thống được bổ sung và phát triển không ngừng. Hàng năm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dành một phần kinh phí đáng kể dành cho việc mua sách, báo, tạp chí, tư liệu ở trong nước, xử lý thông tin, bảo quản sách báo và thực hiện tin học hoá công tác thư viện. Ngoài nguồn kinh phí trên, Nhà nước còn cung cấp một lượng ngoại tệ ổn định để mua sách báo ngoại văn cho các thư viện.

Hiện nay các thư viện trong Hệ thống đều có thể phục vụ bạn đọc tra cứu tìm kiếm thông tin thông qua các cơ sở dữ liệu thư mục được cập nhật thường xuyên của các thư viện. Các thư viện cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn tin có giá trị khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước trên mạng Internet để cung cấp cho độc giả của mình. Đặc biệt, các cơ sở dữ liệu thư mục về sách, bài tạp chí và báo cáo kết quả nghiên cứu trong toàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã được đưa vào khai thác trực tuyến.

Trong bối cảnh và xu thế phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, xã hội hóa thông tin và hội nhập quốc tế, Hệ thống Thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trương đẩy mạnh công tác thông tin khoa học theo hướng tăng cường tin học hoá nhằm phục vụ ngày càng hiệu quả hơn hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.


Nguồn:https://vass.gov.vn/noidung/thuvien/Pages/gioi-thieu.aspx Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết