Kinh tế thế giới và Việt Nam 2014-2015: Nỗ lực phục hồi để chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới
Kinh tế thế giới và Việt Nam 2014-2015: Nỗ lực phục hồi để chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới
Tác giả :
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (chủ biên)
Địa chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2015
Số trang: 274
Kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian qua đã trải qua những bước phát triển khá ấn tượng. Nền kinh tế thế giới đã bắt đầu chuyển sang một quỹ đạo tăng trưởng mới. Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” tháng 4/2015 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới tăng trưởng 3,4% năm 2014 và có thể đạt mức 3,5% trong năm 2015. Kinh tế Việt Nam năm 2014 cũng đã thoát dần ra khỏi những khó khăn và cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét, môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì khá ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực đẩy mạnh cải cách và phục hồi tăng trưởng. Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được nhận định là chưa đồng đều ở các nhóm nước, đứng trước nhiều rủi ro vì sự biến động tỷ giá của các đồng tiền lớn và tác động tiêu cực đối với dòng vốn quốc tế do chính sách tiền tệ trái chiều của các ngân hàng trung ương lớn. Tại Việt Nam, năm 2014 - 2015 được coi là thời điểm quan trọng để nhìn lại quá trình 30 đổi mới của đất nước, nhận diện những cơ hội và thách thức đặt ra cho những năm tiếp theo, nhằm có được những điều chỉnh chính sách phù hợp, tiếp tục khai thác hiệu quả các dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng cũ, đồng thời từng bước chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên gia tăng hiệu quả của việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo như là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng trong một thế giới do công nghệ đóng vai trò dẫn dắt.
Xuất phát từ thực trạng và nhu cầu tìm hiểu về kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản ấn phẩm “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2014-2015: Nỗ lực phục hồi để chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng mới” do GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ biên. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương: Chương I. Tổng quan kinh tế thế giới năm 2014 - 2015, Chương II. Kinh tế các nước và khu vực 2014 - 2015, Chương III. Tổng quan kinh tế vĩ mô của Việt Nam những năm gần đây, Chương IV. Một số vấn đề chính sách nổi bật.
Trong chương I, các tác giả trình bày tổng quan kinh tế thế giới năm 2014, những tháng đầu năm 2015 và các triển vọng. Các tác giả cho rằng, năm 2014 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới vẫn còn thấp, một số nền kinh tế vẫn phát triển dưới tiềm năng. Những nền kinh tế phát triển dựa vào công nghệ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo, đồng thời chấp nhận cải cách sâu rộng đã tạo lập lại được nền tảng phát triển vững chắc sớm hơn và phục hồi nhanh hơn. Ngược lại, những nền kinh tế tiến hành cải cách chậm chạp, duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên đang gặp nhiều khó khăn. Các dự báo về tình hình kinh tế năm 2015 và thời gian tới vẫn tương đối thận trọng do lo ngại về nhiều rủi ro như tình trạng thiểu phát, sự trì trệ của các nền kinh tế Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, biến động tỷ giá của các đồng tiền lớn và tác động tiêu cực đối với các dòng vốn quốc tế do chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương…
Ở chương 2, các tác giả đã hệ thống hóa và đề cập đến hầu hết các nền kinh tế lớn trên toàn cầu và khu vực như: Kinh tế Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Đông. Các tác giả nhận định, năm 2014, Hoa Kỳ là điểm sáng duy nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới có mức tăng trưởng vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và được kỳ vọng là nhân tố đầu tầu dẫn dắt kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2015. Đồng thời, qua việc phân tích các yếu tố về tăng trưởng và việc làm, giá cả và lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, nợ công, xu thế đầu tư trong và ngoài nước… tại các quốc gia và khu vực nêu trên về những vấn đề kinh tế vĩ mô, vi mô, các tác giả đã làm rõ được những thành tựu và thách thức cần giải quyết trong các nền kinh tế quốc gia và khu vực, đồng thời lý giải được những chiều hướng vận động của các nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Chương 3 đề cập đến khung phân tích kết quả kinh tế vĩ mô; Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2014 về các mặt như: Tăng trưởng, lạm phát, các cán cân vĩ mô; Phân tích các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm và an sinh xã hội; Làm rõ một số điểm nổi bật liên quan đến phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam... Qua đó, các tác giả nhận định: Trong năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt 5,98%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây, lạm phát ở mức độ thấp (chỉ còn 4,09%), cán cân thương mại thặng dư năm thứ 3 liên tiếp đạt mức 2 tỷ USD, thị trường lao động tiếp tục ổn định, số lượng các doanh nghiệp hoạt động tiếp tục gia tăng do số lượng các doanh nghiệp mới thành lập hơn hơn với số lượng giải thể… Mặc dù vậy trong trung và dài hạn, Việt Nam còn phải đối mặt với không ít thách thức do phương thức tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng huy động và sử dụng nguồn lực (vốn, tài nguyên và lao động) đang tiến gần đến giới hạn, mô hình tăng trưởng chưa phù hợp…
Chương 4 đề cập đến khung phân tích chính sách, làm rõ vị trí của Việt Nam hiện nay trong quỹ đạo phát triển, các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cầu nền kinh tế, một số vấn đề nổi bật trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các tác giả cho rằng, để giải quyết các điểm nghẽn phát triển hiện nay, Việt Nam cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả các nền kinh tế thông qua cải cách thể chế và quản trị nhà nước, nuôi dưỡng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua việc thực thi chính sách công nghiệp phù hợp, như: tháo gỡ các rào cản làm cho doanh nghiệp không mở rộng được quy mô, sớm hoàn tất các cuộc đàm phán hiệp định FTA, TPP, EU, khuyến khích đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, khuyến khích nghiên cứu triển khai và nâng cấp công nghệ... Qua đó, các tác giả khẳng định, mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam sẽ là sự kết hợp giữa: (i). Sử dụng những dư địa còn lại của việc gia tăng nguồn lực; (ii). Đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực; (iii). Nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà hội nhập quốc tế và dư địa kinh tế của Việt Nam mang lại.
Cuốn sách đã góp phần làm rõ thực trạng nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn và trung hạn; qua đó, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cần thiết cho việc hoạch định chính sách của Nhà nước, nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại các trường đại học, các cơ quan có liên quan, đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, tìm hiểu về kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ./.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam