• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế vùng của Việt Nam

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2013

Số trang: 203

Chủ biên: Nguyễn Trọng Xuân Chb.

 

 

     Phát triển kinh tế luôn là chủ đề nghiên cứu hấp dẫn đối với giới nghiên cứu xã hội trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Trên mỗi vùng, miền những tác động và ảnh hưởng từ quá trình này lại rất khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào được đánh giá là nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề phát triển vùng của Việt Nam đặt trong sự hội nhập và biến động đầy phức tạp với nền kinh tế thế giới. Vì vậy, ấn phẩm mang tên Phát triển kinh tế vùng của Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân (Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được coi là ấn phẩm mới nhất, góp phần tìm hiểu một số khía cạnh của vấn đề này.

     Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được cấu trúc thành 3 chương như sau: Chương 1: Lý luận cơ bản về phát triển vùng và thể chế phát triển vùng của Việt Nam giai đoạn 2000-2010; Chương 2: Thực trạng phát triển vùng của Việt Nam thời gian qua; Chương 3: Một số chính sách và giải pháp phát triển vùng của Việt Nam trong điều kiện mới đến năm 2020.

      Tại chương 1, bạn đọc sẽ được tiếp cận tới các thông tin liên quan đến: (1). Một số vấn đề cơ bản về lý luận  phát triển vùng (nêu rõ các khái niệm vùng, vùng kinh tế, khái niệm kinh tế vùng; Các yếu tố cần thiết trong chính sách phát triển theo vùng nói chung và chính sách phát triển kinh tế vùng nói riêng) ; (2). Chính sách và thực tiễn phát triển vùng của Việt Nam (gồm hệ thống chính sách của Việt Nam về phát triển vùng; Một số nghiên cứu thực tiễn về tác động của chính sách phát triển vùng đối với sự phát triển chung của Việt Nam); (3). Kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển vùng của Trung Quốc, một số nước ASEAN (Thái Lan, Philipin, Malaysia…).Qua đó, khái quát một số bài học kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia này về chính sách phát triển bền vững.

      Chương 2 cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thực trạng phát triển vùng của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến một số điểm cần lưu ý đối với mô hình vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, tam giác tăng trưởng như: Mục tiêu đặt ra đối với các mô hình, cơ chế vận hành, hiệu quả của các mô hình, đi sâu tìm câu trả lời cho câu hỏi Về bản chất, đây có phải là mô hình lý tưởng cho phát triển vùng?. Bên cạnh đó chương 2 cũng dành nhiều trang để phân tích, đánh giá khoảng cách trình độ phát triển giữa các vùng (theo địa giới hành chính) về mức sống, mức độ phát triển, quan điểm, nhận thức về phát triển vùng cả trong lý luận và thực tiễn thực thi các chính sách phát triển vùng…

     Chương 3 đi sâu phân tích, đánh giá bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển vùng của Việt Nam qua các điểm mạnh, yếu, lợi thế, cơ hội và thách thức đối với phát triển vùng, dự báo xu hướng vận động chủ đạo, các yêu cầu về phát triển vùng giai đoạn 2011-2020; Nghiên cứu một số vấn đề rút ra từ thực tiễn về tư duy liên quan đến việc lựa chọn ưu tiên của mỗi vùng, lĩnh vực đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế trong vùng, các thành phần kinh tế trong chiến lược phát triển vùng…; Đồng thời đưa ra một số kiến nghị mang tính giải pháp nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển vùng trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

     Hy vọng với các nội dung như trên, cuốn sách sẽ trở thành tài liệu tham khảo bổ ích với nhiều độc giả.

     Xin trân trọng giới thiệu./.

 

Tác giả: Tác giả: Nguyễn Trọng Xuân
Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...