• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sinh kế của người dân tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đại dhich Covid 19

       Tóm tắt: Trên cơ sở dữ liệu khảo sát tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bài viết sẽ phân tích về thực trạng phát triển sinh kế, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, những phân tích về ảnh hưởng của đại dịch Covid19 đến sinh kế của người dân cũng được phân tích để thấy được sự bấp bênh của các nguồn lực sinh kế hiện tại của người dân. Từ đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển sinh kế bền vững cho người dân tỉnh Ninh Thuận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các sự cố xã hội khác.

1. Đặt vấn đề

     Ninh Thuận là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, một trong những địa bàn đặc thù khô hạn, cùng với những diễn biến biến đổi khí hậu phức tạp. Các hiện tượng nước biển dâng, xâm mặn, nhiệt độ gia tăng ngày càng ảnh hưởng lớn đến người dân ven biển, đặc biệt là nông dân trong 2 nhóm sinh kế chính là trồng trọt và chăn nuôi. Ở các xã ven biển Ninh Thuận, bên cạnh sản xuất nông nghiệp như trồng lúa truyền thống, còn trồng nho, táo, hành, tỏi, măng tây, đậu phộng, cây nem chịu hạn, v.v. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, các ngành như: xây dựng, kiến trúc, gỗ, may mặc, sản xuất giày da, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, điện - điện tử - điện lạnh, v.v. tại địa phương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19. Thực trạng đó đã tác động tiêu cực tới sinh kế của hàng nghìn lao động tại Ninh Thuận hoặc ở các doanh nghiệp ngoại tỉnh, thể hiện qua sự gia tăng đột biến số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Ninh Thuận. Đến cuối tháng 6 năm 2020, đã tiếp nhận 2.871 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 41,77 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, tập trung nhiều nhất vào tháng 4 và tháng 5/2020 (MOLISA, 2020b).

      Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Ninh Thuận phải đối mặt với thách thức lớn hơn và chưa có tiền lệ. Tình trạng khô hạn kéo dài, cạn kiệt nguồn nước từ 2017 - 2020 và đại dịch Covid19. Hai sự kiện này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân tỉnh Ninh Thuận. Trên quan điểm sinh kế bền vững, sinh kế của người dân ven biển Ninh Thuận nên phát triển theo hướng thích nghi với điều kiện tự nhiên cùng với những chính sách đặc thù cụ thể vừa để hạn chế những khó khăn về mặt tự nhiên vừa để tận dụng được lợi thế ven biển và đa dạng ngành nghề của mình. Từ phân tích các tài liệu thứ cấp và kết quả khảo sát nghiên cứu thực tế tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam và xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bài viết sẽ đi sâu phân tích thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid19 đến hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân nơi đây. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các sự cố xã hội khác trong tương lai.

2. Sinh kế và những thay đổi sinh kế của người dân Ninh Thuận

2.1. Thực trạng sinh kế người dân tỉnh Ninh Thuận

    Qua kết quả điều tra thực địa, cùng với số liệu của xã Phước Minh, huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, tỷ lệ nông dân chiếm 46%. Điều này nghĩa là sinh kế của dân địa phương vẫn dựa trên sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là chính. Tuy nhiên, trên địa bàn Phước Minh hiện nay đang có sự thay đổi lớn với hàng loạt các dự án điện mặt trời cũng như các khu công nghiệp. Sự thay đổi này kéo theo thay đổi về công việc của người dân địa phương, thanh niên chuyển sang làm công nhân tại các khu công nghiệp, các nhà máy điện gió ngày càng nhiều, điều này thể hiện qua con số 13% người được hỏi là công nhân.

     Dân số của xã Nhơn Hải năm 2019 là 14.000 người (4.223 hộ), trong đó 85% dân số sống bằng nghề nông. Nhơn Hải là một xã nông nghiệp kết hợp diêm nghiệp. Đến thời điểm khảo sát, công nghiệp vẫn chưa phát triển, dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động. Nhơn Hải có điều kiện để canh tác một số cây trồng như: lúa, nho, táo, hành, tỏi. Trong đó nho, táo có diện tích lớn và có xu hướng tăng. Hành, tỏi cũng là hai cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bên cạnh trồng trọt, có chăn nuôi gia súc gia cầm, chủ yếu là dê, cừu, do phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn. Do địa hình phía Tây Nam có đầm nước mặn nên xã Nhơn Hải cũng phát triển mô hình nuôi thủy sản quy mô lớn tập trung vào 2 loại  chủ đạo là nuôi tôm và ốc hương. Đánh bắt hải sản tập trung vào bắt tôm hùm con.

    Nghề làm muối tập trung ở phía Tây Nam của xã. Diện tích ruộng muối của Nhơn Hải cũng đang có chiều hướng gia tăng do xu hướng nắng, hạn tăng, thiếu nước, đất bị nhiễm mặn không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

2.2. Các nguồn lực sinh kế của người dân tỉnh Ninh Thuận

     Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, các ngành nghề như diêm nghiệp, doanh nghiệp, trại giống thủy sản, thương mại và dịch vụ cơ khí (hàn, tiện) và mộc, hồ, v.v. phát triển; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,6% (UBND xã Nhơn Hải, 2019). Cơ cấu mẫu theo hoạt động kinh tế chính cho thấy, trong tổng số 100 người trả lời tại xã Nhơn Hải thì có khoảng 60% số người trả lời trồng trọt chăn nuôi là nghề chính. Họ chủ yếu trồng hành, tỏi, các cây ăn quả như nho, táo và chăn nuôi dê, cừu. Số người trồng lúa không nhiều. Chỉ 10% số người trả lời nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản là chính. Họ chủ yếu nuôi tôm, ốc hương, và đánh bắt tôm hùm con. Có 30% người làm nghề muối, còn lại là tham gia vào các hoạt động kinh tế khác. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã Nhơn Hải rất đa dạng, đặc biệt là các hộ có đất sản xuất nông nghiệp (Hộp 1) (Đỗ Thị Ngân & Nguyễn Dương Hoa, 2020).

     Biểu 1 cho thấy, sinh kế của hộ gia đình tại xã Phước Minh từ trồng cây lâu năm chiếm phần nhỏ (4%), tương tự về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản lần lượt là 11% và 10% trong cơ cấu sinh kế của hộ gia đình. Đặc điểm của xã Phước Minh cách biển 10km, các gia đình với sinh kế thuần túy đánh bắt thủy sản khá thấp, chỉ có thể khai thác các vũng, đìa để cải tạo thành đầm nuôi thủy sản trên địa bàn. Nhóm lao động thời vụ không cố định chiếm tỷ lệ lớn với 32% cho thấy địa phương đang trong giai đoạn chuyển đổi nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp và các dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp tại địa phương. 

     So sánh với xã Phước Minh, xã Nhơn Hải có điều kiện về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng tốt hơn. Cuối năm 2019, xã Nhơn Hải đã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, thu nhập bình quân của người dân xã Nhơn Hải đạt 39,2 triệu/người/năm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất cũng tương đối đồng bộ. Điều này tạo điều kiện cho các ngành sản xuất của người dân ngày càng phát triển. Nghề làm muối tại địa bàn phát triển tương đối mạnh, bởi người dân đã tận dụng điều kiện khô hạn để phát triển loại hình sinh kế phù hợp (Hộp 2).

Vấn đề thay đổi sinh kế chính của các hộ gia đình tại địa phương cho thấy, khả năng thích nghi cũng như có nhiều yếu tố tác động đến sinh kế địa phương. Tại xã Phước Minh có nhiều yếu tố tác động đến sinh kế, nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu điển hình như tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến hoang hóa đất trồng trọt, vấn đề hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng kéo dài trên 10 năm và ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế, dẫn đến địa phương buộc phải thu hẹp diện tích đất canh tác, chuyển đổi sang chăn nuôi hoặc chuyển sang làm lao động tự do thời vụ.

Kết quả khảo sát của Nguyễn Đức Hoàn (2020) cho thấy, có đến 62% người được hỏi đã thay đổi sinh kế chính trong vòng 5 năm, đây là con số lớn thể hiện sự thiếu ổn định và khó khăn trong việc duy trì sinh kế địa phương.

      Xem xét về các nguyên nhân, lý do dẫn đến thay đổi sinh kế tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, Bảng 1 cho thấy, nguyên nhân phổ biến là đất bị nhiễm mặn và chất lượng đất canh tác không đảm bảo cho các hộ gia đình có thu nhập tốt, nguyên nhân tự nhiên phổ biến cho các hộ sản xuất nông nghiệp là thiếu nước sản xuất trầm trọng dẫn đến không thể trồng trọt hay chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô trung bình trở lên.

      Các lý do như chuyển sinh kế mới tốt hơn chiếm tỷ lệ lớn, cho thấy sự bấp bênh trong việc duy trì phát triển sinh kế, kết hợp với khối lượng lao động tự do lớn tại địa phương thì có thể thấy người dân ở đây đang đứng trước rất nhiều khó khăn để ổn định sinh kế lâu dài. Sự xuất hiện các nhà máy hay khu công nghiệp với số lượng lớn nhưng không thể thu hút lao động lâu dài do thiếu sự chuẩn bị về chính sách, sự thay đổi đột ngột này dẫn đến những lao động thiếu tay nghề, những người làm nông nghiệp cũ chuyển sang lao động đơn giản thời vụ mang tính chất tạm thời, không có định hướng hay bền vững lâu dài.

      Qua bảng số liệu về các mức độ thay đổi thu nhập trong 10 năm qua tại địa bàn xã Phước Mình huyện Thuận Nam cho thấy, chỉ có nhóm buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ có sự gia tăng về thu nhập do trên địa bàn có sự tăng lên về dân số, các khu vực công nghiệp, nhà máy điện mặt trời hiện nay đang cần có số lượng công nhân lớn nên nhóm sinh kế về buôn bán, kinh doanh phát triển là tất yếu. Tuy nhiên, những con số này còn nhỏ và chưa thực sự rõ rệt. Tương quan giữa hai nhóm chăn nuôi gia súc gia cầm và nhóm nuôi trồng thủy hải sản ta nhận thấy, nhóm chăn nuôi gia súc đang có nhiều biến động, không ổn định về tăng trưởng nhưng nhóm nuôi trồng thủy hải sản lại có thu nhập gia tăng cho thấy những tín hiệu khả quan cần có chính sách hỗ trợ để nhóm nuôi trồng thủy sản này có quy mô và được đầu tư về vốn, kỹ thuật nhiều hơn.

     Nhóm ít biến động còn lại là về sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm gần như không thể hiện điều gì cho thấy, người dân địa phương đã không còn duy trì sản xuất nông nghiệp nữa. Tuy có nhóm làm muối vẫn duy trì nhưng với số lượng các hộ ít, chủ yếu là duy trì công việc lâu năm mà chưa tìm được cách gia tăng thu nhập hoặc chuyển đổi sang nhóm nghề khác cho thu nhập cao hơn, bên cạnh đó, công việc làm muối cũng cho thu nhập không cao do sản lượng thấp và diện tích sản xuất tại địa phương không lớn.

     Bảng 3 cho ta thấy rõ hơn những khó khăn của người dân xã Phước Minh huyện Thuận Nam trong việc duy trì và phát triển sinh kế địa phương trong những năm qua. Những khó khăn hạn chế về mặt tự nhiên bao gồm thiếu đất, thiếu nước đã tác động lớn đến sinh kế nông nghiệp, làm giảm mạnh số hộ duy trì sản xuất nông nghiệp.

     Khó khăn lớn nhất hiện nay của các hộ gia đình ở xã Phước Minh là thiếu vốn, người dân cần huy động hay tích lũy vốn để chuyển đổi sinh kế khác cho thu nhập cao hơn hay ổn định hơn như chuyển sang chăn nuôi gia súc hay nuôi trồng thủy hải sản. Các nhóm sản xuất nông nghiệp lâu năm cũng cần có số vốn lớn để duy trì sản xuất vì để cải tạo hay mở rộng diện tích, khả năng tưới tiêu tại đia phương hiện nay rất khó khăn.

     Biến đổi khí hậu tại xã Nhơn Hải rất rõ rệt, song, chưa tạo nên sự biến động về chuyển đổi sinh kế của người dân. Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán. Điều này dẫn đến hoạt động chăn nuôi không mạng hiệu quả cao, do khan hiếm thức ăn cho gia súc và gia tăng tỷ lệ bị bệnh và chết của nhóm gia súc. Mùa vụ và sản lượng bị thiệt hại: do đặc điểm về khí hậu, đất đai và trên địa bàn xã chỉ có 1 hồ chứa để điều tiết nước nên khi mùa mưa đến thì dễ xảy ra hiện tượng lũ lụt, gây thiệt hại cho mùa màng (tăng chi phí về giống, nhân công, phân bón) (Hộp 3) (Đỗ Thị Ngân & Nguyễn Dương Hoa, 2020). 

     Nhu cầu về vốn để phát triển sinh kế của hộ gia đình tại địa bàn, nhu cầu vốn luôn lớn, thể hiện ở ỷ tệ các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sinh kế lên tới 86%. Đặc thù xã Phước Minh có nhiều khó khăn về cả đất đai và khi hậu nên nhu cầu vốn để đầu tư sản xuất, vốn để duy trì sinh kế hiện tại, hay đơn giản nhất để duy trì cuộc sống cơ bản hằng ngày luôn hiện hữu. Về mặt bằng kinh tế chung thì xã Phước Minh vẫn được coi là có nhiều khó khăn, hạn chế và mới bước đầu thay đổi về cơ cấu kinh tế, những hạn chế về đầu tư sản xuất, huy động vốn, chính sách còn nhiều bất cập cùng với điều kiện tự nhiên không ưu đãi nên người dân tại đây cần có nguồn vốn lớn để có thể chuyển đổi và phát triển những sinh kế phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại. Vấn đề tìm việc làm khó khăn cộng với tác động của Covid dẫn đến nguồn vốn tích lũy bị cạn kiệt, các nguồn tích lũy trước đây được huy động nên khả năng đầu tư vào phát triển sinh kế bị thu hẹp lại đáng kể, khó khăn lại thêm khó khăn.

      Để làm rõ hơn nhu cầu vay vốn và chi tiêu, kết quả khảo sát cho thấy, các nhu cầu vay vốn với các lý do cơ bản như đầu tư cho sản xuất tới 68%, xây sửa nhà cửa 11% và chuyển đổi sinh kế là 6%. Các con số trên cho thấy, nhu cầu chuyển đổi sinh kế vẫn đang diễn ra, cho thấy sự bấp bênh trong việc duy trì và ổn định sinh kế hiện tại; Bên cạnh đó nhu cầu vay để xây sửa nhà cửa cho thấy mức sống của người dân cũng không cao, mức sống còn thấp nên việc xây sửa nhà cửa còn tương đối cần thiết. Việc nhu cầu vay đầu tư sản xuất lớn nhất 68% cũng là con số đáng lưu ý bởi một bộ phận lớn các hộ gia đình muốn phát triển sinh kế hiện tại là rất lớn cộng với tác động của mất việc làm, thu hẹp phát triển kinh tế do Covid (Nguyễn Đức Hoàn, 2020). Việc cần huy động vốn lớn cũng cho thấy những khó khăn của người dân về đầu tư sản xuất hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn, cho thu nhập cao hơn, và nếu chỉ duy trì như cũ mà không đầu tư thì không đảm bảo thu nhập và nhu cầu cơ bản của hộ gia đình trong bối cảnh covid tác động 2019-2020.

3. Đánh giá hoạt động thích ứng về sinh kế trong bối cảnh đại dịch Covid

     Bảng 4 cho thấy, các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19 tương đối lớn, tính riêng nhóm 1 (người lao động bị nghỉ việc không lương và lao động thời vụ) là 16.111 người, chiếm 2,8% dân số của toàn tỉnh. Nếu tính chung cả nhóm 1 và nhóm 2 thì tỷ lệ người bị ảnh hưởng chiếm 14,2% dân số toàn tỉnh. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân rất dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid19. Do đó, việc đa dạng hóa sinh kế là rất cần thiết để người dân có thể vượt qua các ảnh hưởng của Covid19 đến đời sống và sản xuất.

     Các biện pháp thích ứng chủ yếu được người dân đúc kết từ các kinh nghiệm hiện có và điều này để góp phần tích cực trong việc giảm khả năng bị tổn thương về sinh kế trong bối cảnh đại dịch Covid19. Ví dụ, người dân có thể tính toán cẩn thận về lịch thời vụ của các hoạt động sinh kế trong năm để giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết và tình trạng đất đai. Ngoài ra, trong bối cảnh bị tác động của dịch bệnh Covid19, người dân cũng có những thích nghi như tăng cường các hoạt động tự cung tự cấp hoặc tìm những công việc tại nhà để tránh tiếp xúc với bên ngoài cũng như để duy trì thu nhập đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội (thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng lưới trong cộng đồng) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các hoạt động thích ứng, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất giữa những người dân trong cộng đồng. Khi có thiên tai, người dân thường có nhiều cách thức hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ tàu, thuyền, tài sản và nhà cửa.

     Tuy nhiên, có thể thấy rằng, người dân ven biển đang thực hiện các hoạt động thích ứng một cách tự phát, mang tính đối phó hơn là những hoạt động thích ứng có kế hoạch, mang tính chủ động trước các rủi ro về sinh kế do biến đổi khí hậu gây ra. Trên thực tế, các hộ gia đình ven biển đa số là những hộ nghèo nên bị hạn chế về các nguồn lực sinh kế, đặc biệt là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

     Nguồn lực tài chính luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một sinh kế ổn định và an toàn trước các tác động của môi trường bên ngoài. Người nghèo đều có những đặc điểm khá giống nhau về chất lượng nhà ở, tiếp cận đất đai, dự trữ tài sản vật chất và tình trạng nợ nần (ví dụ như vay ngân hàng). Điều này cho thấy, các hộ gia đình ở các nhóm kinh tế - xã hội có thể thực hiện các hoạt động sinh kế giống nhau và chỉ khác nhau về qui mô và chi phí đầu tư, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đối với những hoạt động khác như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chỉ có những người có đủ vốn mới có thể đầu tư cho hoạt động này. Chính vì vậy, người nghèo khó điều chỉnh các hoạt động sinh kế khi hoạt động đó đòi hỏi chi phí lớn (ví dụ như chi phí để đầu tư vào giống mới trong nông nghiệp hoặc chuyển đổi từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản để thích ứng với các điều kiện khí hậu). Mặc dù các hộ gia đình ít nhiều có thể vay tiền từ bạn bè hoặc ngân hàng để phục hồi sinh kế và các tài sản bị thiệt hại, song thiếu các nguồn lực tài chính bền vững vẫn là trở ngại lớn trong việc thực hiện các hoạt động thích ứng về sinh kế được lập kế hoạch.

    Nguồn lực con người, thể hiện qua kiến thức và kỹ năng mà hộ gia đình áp dụng để thực hiện các hoạt động sinh kế, cũng là yếu tố quyết định việc hộ gia đình có thể thực hiện được một hoạt động sinh kế thích ứng nào đó không. Ví dụ, ngay cả khi có nguồn lực tài chính, không phải hộ gia đình nào cũng có thể chuyển đổi từ đất bị xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản… điều này đòi hỏi hộ gia đình phải được đào tạo về các kỹ năng nuôi trồng thủy sản. Do đó, chỉ khi có những hỗ trợ về tái đào tạo nghề, những hộ gia đình này mới có thể chuyển đổi nghề nghiệp để thích ứng với các điều kiện mới về khí hậu.

    Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động sinh kế chính ở vùng ven biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, và nông nghiệp đều phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước. Do đó, việc tiếp cận và quản lý bền vững tài nguyên nước tại các địa phương ven biển đóng vai trò thiết yếu đối với sự thích ứng về sinh kế. Cơ sở hạ tầng ở địa phương, đặc biệt là hệ thống đê biển, thủy lợi, thoát nước, v.v. cũng ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân. Tuy nhiên, những yếu tố này đều nằm ngoài năng lực và sự kiểm soát của các hộ gia đình.

4. Kết luận

      Cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu là cơ cấu được xây dựng dựa trên thế mạnh (địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội) của từng địa phương/vùng, có khả năng chống chịu với các tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như đại dịch Covid19. Biến đổi khí hậu cũng như dịch bệnh Covid19 là những yếu tố tác động, gây ảnh hưởng đến các nguồn lực sinh kế của người dân. Sự hỗ trợ về thể chế và chính sách của nhà nước có thể giúp tăng cường, phục hồi các nguồn lực sinh kế.

     Ở cấp hộ gia đình, các chính sách hỗ trợ sinh kế của nhà nước và chính quyền, cũng như sự tự thích nghi và ứng phó nhằm tăng cường các nguồn lực sinh kế, đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp các hộ gia đình nâng cao năng lực thích ứng, trên cơ sở tạo lập các sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

     Ở cấp quốc gia và địa phương, tăng cường lồng ghép công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với dịch bệnh covid vào lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ giúp các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện trong khuôn khổ các mục tiêu về phát triển.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đức Hoàn (2020). Kết quả điều tra của Đề tài “Những thay đổi sinh kế của người dân ven biển tỉnh Ninh Thuận”.
  2. MOLISA (2020 a), Ninh Thuận: đến 20/5/2020 sẽ hoàn tất cấp phát hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19.
  3. ttp://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222556
  4. MOLISA (2020 b), Ninh Thuận: thực hiện đồng bộ các giải pháp kết nối cung cầu lao động.
  5.  
  6. Đỗ Thị Ngân và Nguyễn Dương Hoa (2020), Kết quả điều tra của đề tài “Sinh kế của người dân tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh biến đổi khí hậu: trường hợp xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải”.
  7. UBND xã Nhơn Hải (2019), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
  8. UBND xã Nhơn Hải (2018), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Tác giả: Đỗ Thị Ngân - Nguyễn Đức Hoàn
Nguồn:Covid-19, Đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết