• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sinh con ở tuổi vị thành niên tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc

Nguyễn Thị Xuân

Tóm tắt: Với phương pháp tổng hợp số liệu có sẵn và phân tích tài liệu thứ cấp, bài viết này cho thấy, hiện tượng sinh con ở tuổi vị thành niên khu vực trung du miền núi phía Bắc vẫn còn phổ biến, chiếm tỷ lệ cao nhất trên toàn quốc và có xu hướng tăng trong 10 năm trở lại đây. Phụ nữ tuổi vị thành niên sinh con tập trung ở khu vực nông thôn, các tỉnh tiếp giáp biên giới như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La. Đáng chú ý, tổng số con của nhóm phụ nữ 10-14 tuổi là 1-2 con. Việc sinh con sớm ảnh hưởng tiêu cực tới quyền quyết định cuộc sống, quyền con người, bình đẳng giới của phụ nữ khu vực miền núi, khiến cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững có liên quan đến con người trở nên khó khăn hơn.

Từ khóa: Mức sinh; Phụ nữ; Trung du miền núi phía Bắc; Vị thành niên.

Đặt vấn đề

Việt Nam đã áp dụng chính sách giảm sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến nay, một trong những mục tiêu về công tác dân số trong thời kỳ đổi mới là tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đồng thời giảm 50% chênh lệch về mức sinh giữa nông thôn và đô thị, miền núi và đồng bằng (Chính phủ, 2019). Tuy nhiên, hiện vẫn còn chênh lệch về mức sinh giữa các vùng trong cả nước. Trong đó, trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là những khu vực có mức sinh cao, cùng với đó là tình trạng phụ nữ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên (Tổng cục Thống kê - TCTK, 2019).

     Năm 2011, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam là 46/1.000 (UNFPA, 2012). Năm 2014, cả nước có 6,3% phụ nữ 15-19 tuổi đã có con (MICS, TCTK và UNICEF, 2015). Đến năm 2019, tỷ lệ này ở phụ nữ chưa thành niên là 3,3% (TCTK, 2019). Tỷ lệ này cao hơn ở các nhóm dân số có trình độ học vấn thấp, mức sống thấp, các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm dân cư sinh sống ở khu vực trung du miền núi phía Bắc[1] và các khu vực nông thôn (UNFPA, 2012). Đáng chú ý, phụ nữ chưa thành niên (10-17 tuổi) sinh con chiếm tỷ trọng cao nhất ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (9,7‰), cao gấp 8,5 lần so với đồng bằng sông Hồng (1,1‰) (TCTK, 2019).

     Đã có nhiều công trình nghiên cứu bàn về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên như hiểu biết về thời điểm thụ thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (Đặng Nguyên Anh, 2001; Phạm Thị Minh Đức, 2001, Đặng Bích Thủy, 2007), quan hệ tình dục trước hôn nhân, thai nghén, sinh con sớm (Phạm Thị Minh Đức, 2001, Phạm Thị Lê Mai, 2001; Nguyễn Văn Nghị, Vũ Mạnh Lợi, 2011, Đặng Thị Hoa, 2020). Kết quả điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ nhất chỉ ra sự chênh lệch về tuổi sinh con đầu lòng của vị thành niên ở khu vực thành thị và nông thôn. Qua đó, tỷ lệ vị thành niên nhóm 17-19 tuổi có con đầu lòng ở nông thôn cao hơn so với khu vực đô thị (Bộ Y tế, TCTK, UNICEF, WHO, 2005). Mức sinh của nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở tuổi vị thành niên vẫn cao. Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ trong độ tuổi 15-19 không những không giảm mà tăng nhẹ trong giai đoạn 2009-2014 và đạt mức 30‰ (UNFPA, 2014). Tuy nhiên, các bài viết, công trình nghiên cứu còn khá tản mạn, chưa tập trung phân tích sâu về thực trạng sinh con của phụ nữ tuổi vị thành niên. Cùng với đó, các công trình nghiên cứu hiện vẫn tập trung nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục, nạo phá thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục của vị thành niên. Một số công trình nghiên cứu có bàn đến chủ đề sinh con của vị thành niên, tuy nhiên, các phân tích về chủ đề sinh con ở tuổi vị thành niên thường không phải là chủ đề chính được phân tích đầy đủ theo nhiều chiều cạnh trong các ấn phẩm khoa học. Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu về chủ đề này tập trung phân tích ở cấp độ vĩ mô trên phạm vi toàn quốc, chưa có nhiều phân tích sâu đối với từng khu vực, từng vùng miền, đặc biệt đối với những vùng có tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên cao.

      Dựa trên kết quả phân tích số liệu về dân số và nhà ở năm 2009 và năm 2019, bài viết tìm hiểu tình hình sinh con của phụ nữ trong độ tuổi 10-19 tuổi trong giai đoạn 10 năm trở lại đây theo các khía cạnh về khu vực nông thôn - đô thị, tỉnh có tỷ lệ sinh cao, tổng số con của phụ nữ và một số yếu tố tác động đến việc sinh con của phụ nữ tuổi vị thành niên, từ đó phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận về vấn đề và có những cách thức giảm thiểu tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên ở khu vực trung du miền núi phía Bắc. Giảm thiểu tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên cũng đồng thời góp phần nâng cao vị thế, giảm bất bình đẳng về sức khỏe, tăng cơ hội học hành, tăng khả năng ra quyết định trong kết hôn, tình dục, sinh con, chăm sóc con của phụ nữ khu vực trung du miền núi phía Bắc nói riêng. Điều này hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở các khu vực khó khăn, giảm thiểu chênh lệch khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa phụ nữ miền núi và đồng bằng.

Chi tiết xin liên hệ bộ phận Tạp chí hoặc Bộ phận Thư viện:

Phụ trách Bộ phận Thư viện: Nguyễn Thị Đậm - ĐT: 0986534092 - Email: dam.sdin@gmail.com


[1]Trung du miền núi phía Bắc gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh.


Nguồn:Tạp chí Phát triển bền vững vùng số 1 năm 2021 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan