Rà soát chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam
Lê Thị Thu Hiền
Nguyễn Hoàng Dương
Tóm tắt: Bài viết có mục tiêu rà soát các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam. Hiệu quả FDI được rà soát trên ba góc độ về kinh tế, xã hội và môi trường. Kết quả rà soát cho thấy, đến nay, Việt Nam chưa có bộ chỉ tiêu toàn diện để đánh giá hiệu quả khu vực FDI. Trong một số báo cáo, bài nghiên cứu có đề cập đến các chỉ tiêu về hiệu quả FDI; tuy nhiên, các chỉ tiêu tập trung về hiệu quả kinh tế là chính, các chỉ tiêu hiệu quả về mặt xã hội và môi trường chưa được coi trọng đúng mức.
Từ khoá: Đầu tư trực tiếp nước ngoài; FDI; Hiệu quả FDI.
Mở đầu
Trong quá trình hơn 30 năm mở cửa, vốn FDI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tạo tác động lan tỏa, khơi dậy các nguồn lực trong nước, đóng góp vào sự phát triển chung. Tính lũy kế đến ngày 20/9/2020, cả nước có 32.658 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 381,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 225,8 tỷ USD, bằng 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký (Cục Đầu tư nước ngoài, 2020). Quy mô và chất lượng các dự án FDI ngày càng gia tăng, góp phần tăng trưởng kinh tế chung, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng thu ngân sách nhà nước. Sự phát triển khu vực FDI đã góp phần to lớn trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người lao động đồng thời nâng cao trình độ năng lực cho lao động trong nước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.
Bên cạnh những mặt tích cực, khu vực FDI còn một số mặt hạn chế, bất cập như tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đăng ký, mức độ lan toả công nghệ và năng suất của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hay các hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính nhằm trốn thuế gây tổn thất ngân sách cho nhà nước.
Để khắc phục những hạn chế của khu vực FDI, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Tiếp theo là Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW, theo đó, việc đánh giá hiệu quả khu vực FDI cần dựa vào các tiêu chí cụ thể do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.
Trong những năm qua, đã có một số tổ chức và cá nhân đưa ra đánh giá về hiệu quả FDI trên nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau. Theo báo cáo về kết quả hoạt động của doanh nghiệp FDI do Tổng cục Thống kê thực hiện, nhiều số liệu đã được công bố nhằm xây dựng một bức tranh tổng quan về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong các báo cáo này, một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI về khía cạnh kinh tế xã hội được tính toán sử dụng. Hiệu quả FDI về mặt môi trường có được đề cập đến nhưng chưa có các chỉ tiêu cụ thể (Tổng cục Thống kê 2016, 2017).
Tương tự báo cáo của Tổng cục Thống kê, CIEM (2017) sử dụng 3 chỉ tiêu kinh tế và 1 chỉ tiêu xã hội để đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam. Các số liệu được sử dụng để tính toán chủ yếu lấy từ nguồn Tổng cục Thống kê và đo lường hiệu quả FDI ở cấp độ quốc gia. Đối với hiệu quả về mặt môi trường, báo cáo cho rằng hiện tại ở Việt Nam chưa có nguồn tài liệu, số liệu để tính toán cụ thể.
Trong một số nghiên cứu khác, có đề cập đến các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI tuy nhiên, các chỉ tiêu đưa ra chủ yếu phục vụ mục đích của từng nghiên cứu. Đề án “Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài (FDI)” do Học viện Chính sách và Phát triển thực hiện là bước khởi đầu trong việc xây dựng bộ chỉ tiêu cho vấn đề này. Đề án đề xuất 8 chỉ tiêu trong 2 nhóm tiêu chí cụ thể gồm: (1) Phản ánh hiệu quả trực tiếp của bản thân khu vực FDI; và (2) Tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế quốc dân (Ngô Doãn Vịnh, 2011). Các chỉ tiêu này bao trùm cả 3 khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nghiên cứu của Đinh Khánh Lê (2018) nêu lên một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả FDI theo định hướng phát triển bền vững. Theo đó, các chỉ tiêu được phân thành 3 nhóm về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 3 chỉ tiêu xã hội và một số chỉ tiêu về môi trường. Nguyễn Trọng Hải (2007) sử dụng một số phương pháp thống kê để phân tích hiệu quả kinh tế của FDI, theo đó hiệu quả FDI được thể hiện thông qua 15 chỉ tiêu kinh tế. Các khía cạnh xã hội và môi trường không được đề cập đến trong nghiên cứu.
Bên cạnh các nghiên cứu về đánh giá hiệu quả FDI ở quy mô toàn quốc, một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả FDI ở quy mô vùng và địa phương như Ngô Trần Xuất (2018), Nguyễn Thị Thuý Vân (2017), Đặng Vinh (2018) và Phạm Thị Thuý (2018). Trong đó, Ngô Trần Xuất (2018) nghiên cứu về thu hút FDI ở vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đề xuất 3 chỉ tiêu về kinh tế và 11 chỉ tiêu về xã hội. Ở quy mô cấp tỉnh, Nguyễn Thị Thúy Vân (2017) sử dụng 4 chỉ tiêu kinh tế để đánh giá hiệu quả FDI ở tỉnh Thái Nguyên; Đặng Vinh (2018) đề cập đến 8 chỉ tiêu kinh tế và 3 chỉ tiêu xã hội đánh giá hiệu quả FDI ở thành phố Đà Nẵng; Phạm Thị Thuý (2018) sử dụng 7 chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả FDI tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có 5 chỉ tiêu kinh tế, 1 xã hội và 1 môi trường.
Phần dưới đây sẽ rà soát các chỉ tiêu cụ thể đã được sử dụng ở Việt Nam thời gian vừa qua nhằm đánh giá hiệu quả FDI trên 3 góc độ về kinh tế, xã hội và môi trường. Các chỉ tiêu sẽ được rà soát theo các nội dung cụ thể như: tên chỉ tiêu, quy mô áp dụng các chỉ tiêu, tình trạng sử dụng và nguồn số liệu thu thập.
Chi tiết xin liên hệ bộ phận Tạp chí hoặc Bộ phận Thư viện:
Phụ trách Bộ phận Thư viện: Nguyễn Thị Đậm - ĐT: 0986534092 - Email: dam.sdin@gmail.com