• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông nghiệp đô thị nhìn từ góc độ giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu: Trường hợp thành phố Cần Thơ

Trần Thị Thiên Thư[1] [2] Trần Trung Can Nguyễn Thanh Bình[3]

Tóm tắt: Những hiện tượng thường thấy trong tiến trình đô thị hóa thời gian qua ở các nước đang phát triển như Việt Nam là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, sinh kế người dân bị ảnh hưởng, kênh rạch bị lấn chiếm, ô nhiễm nguồn nước, dẫn đến các rủi ro về sức khỏe, ngập lụt, và giảm sức chống chịu của đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nông nghiệp đô thị đang có xu hướng phát triển và được quan tâm, nhất là dưới tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực truyền thống. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn được xem như một công cụ quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp đô thị ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dựa trên khảo sát thực tế, đánh giá của 66 cán bộ Hội nông dân tại thành phố Cần Thơ, nghiên cứu này sẽ phân tích mức độ quan tâm, quan điểm về nông nghiệp đô thị trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu, những khó khăn trở ngại của việc phát triển nông nghiệp đô thị tại địa phương; từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần phát triển nông nghiệp đô thị nói riêng và tăng cường sức chống chịu của đô thị nói chung trong thời gian tới.

Từ khóa: Hội Nông dân; Nông nghiệp đô thị; Phát triển bền vững; Quản lý rủi ro; Thành phố Cần Thơ.


[1] Hội Nông dân thành phố Cần Thơ.

[2] Trường Đại học Cần Thơ.

[3] Trường Đại học Cần Thơ, email: ntbinh02@ctu.edu.vn.

  1. Đặt vấn đề

Nói đến nông nghiệp người ta thường chỉ nghĩ đến nông thôn, ít người nghĩ về đô thị. Kể từ năm 2008, khi tỷ lệ dân số thành thị vượt 50% nông thôn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử phát triển xã hội loài người và dự đoán đến năm 2030 có đến 60% dân số trên thế giới sống ở thành thị, thì các nghiên cứu về nông nghiệp đô thị (NNĐT) được chú ý hơn vì tiến trình đô thị hóa (ĐTH) có tác động đến nghèo đói và không đảm bảo an ninh lương thực cho người dân ở thành thị (FAO, 2009). Kinh nghiệm nghiên cứu trên thế giới cho thấy NNĐT có vai trò quan trọng không chỉ về an ninh lương thực mà còn góp phần xây dựng thành phố xanh, giảm rủi ro, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu (BĐKH) và ổn định xã hội (Dubbeling, 2014; FAO, 2014; Stewart et al., 2013: Tornaghi and Hoekstra, 2017; Zezza and Tasciotti, 2010). Các sản phẩm tươi sống từ NNĐT (rau cải, trái cây, động vật) cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng làm cải thiện an ninh lương thực, nhất là cho những nhóm dân cư nghèo, dễ bị tổn thương (Tornaghi and Hoekstra, 2017). Mặt khác, theo Dubbeling (2014) thì NNĐT có thể giúp các thành phố thích ứng và phục hồi tốt hơn thông qua: đa dạng nguồn thức ăn cho dân cư đô thị, giảm lệ thuộc vào nguồn cung từ nơi khác đến đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm do các rủi ro sản xuất ở nông thôn, đa dạng nguồn thu nhập cho người dân làm NNĐT, giảm nhiệt nhờ mảng xanh nông nghiệp, giảm ngập lụt đô thị nhờ vào các khoảng không chứa nước, bổ sung nước dưới đất, và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Cần Thơ là thành phố trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trực thuộc trung ương có mật độ dân số và tốc độ ĐTH cao. 

Theo số liệu thống kê năm 2020 dân số thành thị ở Cần Thơ chiếm 70% tổng dân số thành phố, cao hơn so với ĐBSCL chỉ 26%; mật độ dân số ở thành phố Cần Thơ (TPCT) cũng cao hơn so với các tỉnh trong khu vực, năm 2020 mật độ dân số TPCT là 862 người/km2 so với mặt bằng chung của ĐBSCL là 424 người/km2 (Tổng cục Thống kê, 2021). Diện tích đất nông nghiệp của TPCT có xu hướng giảm trong thời gian qua từ 115 nghìn ha năm 2014 còn 112 ngìn ha năm 2020 và quy hoạch tiếp tục giảm còn 98.395 ha năm 2030 theo phương án phát triển bền vững (Sở NNPTNT-TPCT, 2017; Cục Thống kê TPCT, 2021). Như vậy, tiến trình đô thị hóa đang có xu hướng tăng, dẫn đến giảm diện tích đất nông nghiệp, kênh mương bị lấn chiếm, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm khả năng chịu đựng và phục hồi của hệ sinh thái khi gặp những tai biến môi trường cùng với tác động tiêu cực của BĐKH (Chinh et al., 2017; Nguyen et al., 2017; Hoang et al., 2018; Rentschler et al., 2020; Nguyen et al., 2021). Sự xuất hiện đại dịch COVID-19 càng thể hiện rõ hơn khi chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, vận chuyển giữa nông thôn và đô thị không còn dễ dàng như trước nên việc cung cấp lương thực thực phẩm cho khu vực đô thị trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, NNĐT còn được xem như một công cụ quản lý rủi ro và thích ứng với BĐKH (Dubbeling, 2014; FAO, 2014). 

Do đó, nghiên cứu về NNĐT ngày càng được quan tâm hơn trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển NNĐT ở nước ta nói chung và TPCT nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dựa trên khảo sát thực tế, đánh giá của 66 cán bộ Hội nông dân tại TPCT, nghiên cứu này sẽ phân tích mức độ quan tâm, quan điểm về NNĐT trong giảm thiểu rủi ro và thích ứng với BĐKH, những khó khăn trở ngại của việc phát triển NNĐT tại địa phương; từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển NNĐT nói riêng và tăng cường sức chống chịu của đô thị nói chung trong thời gian tới.

---------------------------------------

Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi to và phát triển đô thị bền vững

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quản trị rủi ro và phát triển đô thị bền vững Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết