• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại dịch Covid-19 tác động đến lao động việc làm ở Việt Nam qua phân tích số liệu thống kê

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19  tác động đến tất cả quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lao động và việc làm. Kết quả thống kê cho thấy là quý II năm 2020 đánh dấu sự sụt giảm lực lượng lao động lên tới hơn 2 triệu người - mức giảm chưa từng có trong thập kỷ vừa qua, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Quý II năm 2020 cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm và tỷ lệ lao động thiếu việc làm tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thì cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Bài viết thông qua số liệu thống kê (tài liệu thứ cấp) tập trung trình bày về lĩnh vực lao động và việc làm trong bối cảnh trước, trong đại dịch Covid - 19 từ các chiều cạnh: (1) Tình hình lao động và việc làm trước dịch bệnh Covid - 19; (2) Ảnh hưởng, tác động của Covid - 19 đến lao động và việc làm. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất, góp phần cải thiện tình hình lao động và việc làm.

     Từ khóa: Covid - 19; lao động và việc làm.

    Mở đầu

     Lĩnh vực lao động và việc làm đang trải qua những thay đổi lớn ở quy mô chưa từng có do sự chuyển dịch của một số yếu tố như sự cải tiến của công nghệ, tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro dịch bệnh, v.v... ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Những động lực kinh tế lớn trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam tiếp tục sẽ là thương mại và đầu tư. Mặc dù xu hướng toàn cầu hóa đang chứng kiến sự ngưng trệ và có phần đứt gãy, nhưng quá trình này vẫn tiếp tục có nhiều hàm ý quan trọng và có lợi cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam. Đó là tác động từ việc ký kết các hiệp định thương mại của Việt Nam, từ dịch chuyển công nghiệp tới Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các quốc gia và tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4 năm 2020. Trong bối cảnh đó, lao động và việc làm ở khu vực sản xuất công nghiệp nói chung và khu công nghiệp ở Việt Nam nói riêng đang và sẽ chịu những tác động ở nhiều khía cạnh như: i) Thất nghiệp và mất an ninh việc làm tạm thời; ii) Khởi tạo và chuyển đổi việc làm; iii) Cách mạng số và đảm bảo việc làm trong cách mạng số; iv) Chuyển đổi và bổ sung kỹ năng; v) Chuyển đổi tiêu chuẩn và công cụ bảo vệ người lao động; vi) Thúc đẩy phát triển chiến lược lao động và an ninh việc làm trong bối cảnh mới.

1. Tình hình lao động và việc làm trước dịch bệnh Covid - 19

     Trước đại dịch Covid-19, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019 (công bố vào ngày 19/12/2019), có gần 88% dân số tham gia lực lượng lao động (có độ tuổi từ 25-59). Trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất là 14,3% (nhóm tuổi 25-29) và 14,2% ở nhóm tuổi 30-34 (giảm nhẹ). Tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp, dưới 10% thuộc về dân số ở nhóm tuổi 15-19, nhóm tuổi 20-24 và nhóm tuổi già (60 tuổi trở lên) (Tổng cục Thống kê - TCTK 2019a). Số lượng trong lực lượng lao động đã tốt nghiệp THPT trở lên chiếm tỉ lệ là 39.1% (tăng 13,5 điểm phần trăm so với 10 năm trước (2009)); số lượng lực lượng lao động đã được có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) có tỉ lệ là 23,1%, trong đó, khu vực thành thị có số lượng cao cấp 2,5 lần so với khu vực nông thôn, tương ứng 39,3% và 13,6%. Trong khi đó, tỉ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo (có bằng, chứng chỉ) ở đồng bằng sông Hồng (cao nhất, 31,8%) và Đông Nam bộ (27,5%), và đồng bằng sông Cửu Long (thấp nhất, 13,6%) (TCTK, 2019a, b).

      Tỉ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở mức thấp 2,05%. Ở khu vực nông thôn tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn gần 2 lần so với khu vực thành thị (1,64% và 2,93%). Đa số người thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 (chiếm 91,7% người thất nghiệp), trong đó, lao động có độ tuổi từ 15-24 có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất chiếm 44,4% tổng số lao động thất nghiệp của cả nước (TCTK, 2019a).

     Qua số liệu thống kê, tỷ trọng việc làm theo ngành đã có sự dịch chuyển tích cực trong giai đoạn 2009 - 2019. Trong đó, tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm (53,9% năm 2009, 46,3% năm 2014 và 35,3% vào năm 2019) còn tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lại có xu hướng tăng, nhất là số lao động ở khu vực dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Với xu hướng dịch chuyển như vậy thì tỉ lệ lao động làm việc tại khu vực dịch vụ và công nghiệp sẽ sớm đạt được ngưỡng 70% (TCTK 2019a). Ngoài ra, tỉ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh so với 10 năm trước đây, trong khi đó, các nhóm nghề thu hút được nhiều số lao động tham gia như “dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” (18,3%), “thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” (14,5%) và “thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị” (13,2%) trong tổng số lao động đang làm việc (TCTK, 2019a).

     Tính đến 1/4/2019, Việt Nam có 96.208.984 người (Tổng cục Thống kê, 2019a), trong đó có gần 88% dân số tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi từ 25-59 , thì về chất lượng lao động còn rất nhiều tổn tại. Ngân hàng Thế giới khi tiến hành đánh giá thị trường lao động Việt Nam đã chỉ ra rằng chất lượng nguồn nhân lực Việ Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế, thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao[1]. Nhất là hiện nay, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm để có thể thích ứng khi làm việc theo nhóm, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) đồng thời kỷ luật lao động kém[2]. Số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 11,39 triệu lao động (trong tổng số lực lượng lao động là 54,56 triệu người) qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 20,92% tổng lực lượng lao động. Sau 10 năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh nhưng vẫn còn 76,9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên môn (TCTK, 2019b).

     Tương quan về số lượng lao động có trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề là 1-0,35-0,56-0,38. Điều này cho thấy đây là cảnh báo về sự thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi đó, cơ cấu lao động có chuyên môn kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nên dẫn đến hiện tượng là nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật làm việc không đúng trình độ hoặc làm các công việc giản đơn (không liên quan đến ngành nghề được đào tạo) hoặc bị thất nghiệp trong thời gian vừa qua[3].

2. Ảnh hưởng, tác động của Covid - 19 đến lao động và việc làm

     Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4 năm 2020. Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó gồm người bị mất việc làm, người phải nghỉ giãn việc/nghỉ việc luân phiên, bị giảm giờ làm hay giảm thu nhập… Có tới 68,9% người lao động bị giảm thu nhập (ở mức nhẹ), số người bị giảm giờ làm/nghỉ giãn cách/nghỉ luân phiên chiếm tới 40% người tham gia lao động, và số người buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh chiếm tới 14% (Tổng cục Thống kê, 2020a). Trong các khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% số lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng. Ngoài ra trong các khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng bị ảnh hưởng với 66,4% và 27% (TCTK, 2020a).

     Theo số liệu trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 (TCTK, 2020b), mặc dù dịch bệnh, nhưng GDP trong 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (trong đó: quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39% và quý III tăng 2.62%). Đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng của các năm trong giai đoạn 2011-2020 (TCTK, 2020b). Mặc dù bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp và có ảnh hưởng không tốt tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, nhưng do các chính sách và các biện pháp mạnh, Việt Nam đã kiểm soát được, giúp cho công việc khôi phục kinh tế được thuận lợi. Cùng với sự đồng lòng quyết tâm của Đảng, Chính phủ và mọi người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, có đến 1,84% của khu vực nông, lâm nghiệp thùy sản đóng góp vào mức tăng trưởng chung 13,62%, trong khi công nghiệp và xây dựng là 3,08%, đóng góp 58,35%, dịch vụ đóng góp là 28,03% (tăng 1,37%) (TCTK, 2020b).

2.1. Tác động của dịch COVID-19 đến lực lượng lao động

     Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Theo số liệu của TCTK (2020b), trong 9 tháng, khu vực dịch vụ đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[4]. Dịch vụ kho bãi giảm 4% (giảm 0,14 điểm phần trăm), dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03% (giảm 0,76 điểm phần trăm) (TCTK, 2020b). Có thể nói, Covid -19 đã ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhiều doanh nghiệp đến phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... điều này ảnh hưởng trực tiếp tình hình lao động và việc làm.

 


[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 7,09%; 6,47%; 6,43%; 5,94%; 6,10%; 6,67%; 7,21%; 6,75%;

     Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I, II và quý III năm 2020 đều có sự thay đổi do tác động của dịch Covid-19. Lực lượng lao động quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước (quý I năm 2020, 55,3 triệu, tỉ lệ tham gia lao động là 75,4%) và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục Thống kê, 2020c, 2020d). Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước (quý I năm 2020 là 48,9 triệu) (TCTK, 2020c, 2020d) và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lao động nữ trong độ tuổi lao động chiếm 44,7% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước (20,93 triệu) (Tổng cục Thống kê, 2020d). Số liệu về lực lượng lao động của quý II năm 2020 cho thấy, ước tính tỷ lệ tham gia lực lượng lao động[1] đạt 72,3%, giảm 3,1% so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của quý I (75,4%) và 4,1% cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ lao động nam tham gia lực lượng lao động cao hơn tỉ lệ lao động nữ tham gia lực lượng lao động là 11,7 điểm phần trăm (78,3% và 66,6%) (TCTK, 2020c, d). Đối với nhóm ngoài độ tuổi lao động, trong khi lực lượng lao động nữ đã giảm so với quý trước (1,8%) và cùng kỳ năm trước (4,9%) trong khi đó thì lực lượng lao động nam tăng nhẹ so với quý trước (0,8%) và cùng kỳ năm trước (1,4%) (Nguyễn Hoàng, 2020). Như vậy, đối với cả nhóm lực lượng lao động trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, lực lượng lao động nữ luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lực lượng lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới thị trường lao động tại Việt Nam.

     Quý III năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của Việt Nam có 48,6 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý trước và giảm 638,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Khu vực thành thị có 16,5 triệu người (34,1%). Trong khi đó thì số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam chiếm 45,5% tổng số lực lượng lao động của cả nước (tương đương 22,1 triệu người) (TCTK, 2020e).

     Đến hết tháng 9 năm 2020, Việt Nam có 54,4 triệu người trong lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên (giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn). Trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm trung bình lực lượng lao động trong 9 tháng đầu năm đều tăng 1%, và theo thông lệ thì đến hết tháng 9 năm 2020 thì lực lượng lao động phải có thêm 1,8 triệu lao động nhưng trên thực tế lại giảm 1,2 triệu lao động. Điều này cho thấy rằng dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người (TCTK, 2020a).

     Đến hết quý III năm 2020, do dịch bệnh đã trong tầm kiểm soát, lực lượng lao động đã phục hồi nhanh ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 3,0% (so với quý trước); lực lượng lao động nữ tăng 4,1%, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng của lực lượng lao động nam. Mặc dù kết quả là tăng nhưng lực lượng lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn giảm so với quý I năm 2020 và cùng kỳ năm trước. Vì vậy, đây vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3% (TCTK, 2020a).

2.2. Tác động của dịch COVID-19 đến lao động có việc làm

    Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2020. Trong đó, khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[2]. Trong khu vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm (tháng 9/2020): Bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước (0,54 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68% (0,4 điểm phần trăm); ngành vận tải, kho bãi giảm 4% (giảm 0,14 điểm phần trăm); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03% (giảm 0,76 điểm phần trăm) (TCTK, 2020b).

      Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi (TCTK, 2020b). Khu vực công nghiệp tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2016[3], trong khi ngành xây dựng tăng 5,02%, cao hơn mức giảm 0,01% và tăng 2,78% của 9 tháng năm 2011 và năm 2012 giai đoạn 2011-2020[4] (TCTK 2020b).

 


[1] Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là phần trăm người từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động so với dân số từ 15 tuổi trở lên.

[2] Tốc độ tăng GDP quý III các năm 2011-2020 lần lượt là: 6,21%; 5,39%; 5,54%; 6,07%; 6,87%; 6,56%; 7,38%; 6,82%; 7,48%; 2,62% (Tổng cục Thống kê, 2020b).

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,54%; 8,50%; 4,80%; 5,58%; 9,86%; 7,40%; 6,95%; 8,99%; 9,61%; 2,69%. (Tổng cục Thống kê, 2020b)

[4] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành xây dựng 9 tháng so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là:
- 0,01%; 2,78%; 5,31%; 6,61%; 9,0%; 9,10%; 8,30%; 8,76%; 8,33%; 5,02%. (Tổng cục Thống kê, 2020b)

     Trong tháng 9/2020, cả nước có 53,1 triệu người lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn (giảm 1,2 triệu người): giảm 608,6 nghìn lao động nam và giảm 734,1 nghìn người lao động nữ (TCTK, 2020e).

    Tính đến hết 9 tháng năm 2020, số lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 15 tuổi trở lên) bị giảm 6,5% (có 17,5 triệu người) so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là, tăng 0,3% (16,4 triệu người) so với cùng kỳ năm trước. Số lao động tăng chủ yếu trong ngành xây dựng có số lao động phi chính thức tăng 4,6% và số lao động chính thức giảm 9,3%. Số lao động trong khu vực dịch vụ cũng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước (19,2 triệu người) (TCTK, 2020e). Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có xu hướng tiếp tục diễn ra. Tỉ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 34,4% xuống 33%, trong khi đó tỉ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 30% lên 30,8%. Tỉ trọng lao động khu vực dịch vụ tăng từ 35,6% lên 36,2% (TCTK, 2020e).

     Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%) (TCTK, 2020a).

     Điều này cho thấy đại dịch Covid -19 đã làm cho đa số người lao động, trong số lao động có việc làm đã bị mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4 năm 2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Lực lượng lao động[1] tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước (TCTK, 2020a). Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 324,6 nghìn người); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 156,9 nghìn người); ngành giáo dục và đào tạo (giảm 122,7 nghìn người); ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 120 nghìn người) (TCTK, 2020a).

2.3. Tác động của dịch Covid -19 đến thất nghiệp và thiếu việc làm

2.3.1. Lao động thiếu việc làm

     Số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của quý III năm 2020 là 1,3 triệu người. Mặc dù có giảm trong quý III (81,4 nghìn người) nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước (560,4 nghìn người) với tỉ lệ là 2,79% (giảm 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ quý trước[2] và tăng 1,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 3,2% (của lao động trong độ tuổi), cao hơn tỷ lệ này ở khu vực thành thị 1,99 điểm phần trăm (TCTK, 2020e).

     Theo số liệu của TCTK (2020a), có đến gần 1/2 số lao động thiếu việc làm quý III năm 2020 (trong độ tuổi lao động) hiện đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 49,3%, giảm 26,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,9%, tăng 17,6 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 24,8%, tăng 8,5 điểm phần trăm (TCTK, 2020a). Tỉ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,8%, cao gấp 2,2 lần so với khu vực công nghiệp và xây dựng và cao hơn 2,6 lần so với khu vực dịch vụ (TCTK, 2020e). Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (TCTK, 2020a).

    Tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong độ tuổi tuổi lao động. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong độ tuổi quý III/2020 là 3,20%; sơ cấp là 2,54%; trung cấp là 1,71%; cao đẳng là 1,59%; đại học trở lên là 1,15% (TCTK, 2020a).

    Theo số liệu của TCTK (2020a), quý III năm 2020, lao động phi chính thức có việc làm là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%) (Tổng cục Thống kê, 2020a). Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 57,0%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn 62,9% và khu vực đô thị 49,5% (hơn 13,4 điểm phần trăm) (TCTK, 2020a). Như vậy, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi số lao động thiếu việc làm trong khu vực lao động chính thức bị ảnh hưởng và bị giảm so với cùng kỳ năm ngoái thì lao động ở khu vực phi chính thức lại không bị ảnh hưởng mà có xu hướng tìm được việc làm nhiều hơn so với lao động của khu vực chính thức (TCTK, 2020a). Như vậy, sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay (thời điểm quý III năm 2020) có tín hiệu tích cực nhưng còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội (TCTK, 2020a).

2.3.2. Lao động thất nghiệp

     Đến tháng 9 tháng năm 2020, gần 1,2 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tăng 132,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 4,3%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với Hà Nội (2,36%) (TCTK, 2020e).

    Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị có tỉ lệ thất nghiệp là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua (TCTK, 2020e). Quý III năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,24%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý trước, tăng 0,51 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; cao gấp 4,2 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên). Thanh niên khu vực thành thị có tỷ lệ thất nghiệp là 11,29%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhóm thanh niên có tỉ lệ thất nghiệp khá cao tương ứng là 9,25% và 10,47% (TCTK, 2020e).

 

[1] Lực lượng lao động bao gồm những người có việc làm và thất nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2020a).

[2] Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2020 ước là 2,08%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 1,31%, ở khu vực nông thôn là 2,49% (Tổng cục Thống kê, 2020c).

     Có thể nói, đến tháng 9 năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1,0%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.

3. Một số giải pháp

     Tác động của đại dịch Covid -19 đã làm cho lao động gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tham gia thị trường lao động và đóng góp trong chuỗi sản xuất hàng hóa và dịch vụ.  Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng GDP trong quý II năm 2020 thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, nhưng là mức tăng trưởng dương mà nhiều nước trên thế giới không đạt được. Đại dịch Covid -19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, với nhiều nguy cơ bùng nổ làn sóng dịch tại nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Biện pháp giãn cách xã hội áp dụng trong tháng 3 và cách ly xã hội áp dụng trong tháng 3 và tháng 4 đang gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu. Các nhà máy phục vụ thị trường nội địa đang phải cắt giảm thời giờ làm việc của người lao động, đề nghị giảm mức lương hay tạm dừng mọi hoạt động sản xuất và cho người lao động nghỉ việc. Lao động và làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về số giờ làm việc, tạm dừng hợp đồng, cắt giảm lương và sa thải. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất góp phần cải thiện tình hình lao động việc làm, cần thực hiện một số giải pháp:

     Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid -19 trong năm 2020. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của đại dịch Covid -19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

     Hai là, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế (theo nghị quyết 42/NQ-CP) của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid -19 như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải… Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch. Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế. Đồng thời cũng hỗ trợ các nhóm lao động, bao gồm lao động chính thức và phi chính thức trong các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh (dân doanh, tư nhân/tổ hợp tác/hợp tác xã).  Ngoài ra có thể xem xét và xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho các nhóm lao động yếu thế (phụ nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức) để giúp họ có thể có cơ hội tìm kiếm được việc làm tạo thu nhập để có được sự đảm bảo có được một phần tài chính để giúp bản thân họ và gia đình họ vượt qua được thời điểm khó khăn chung của toàn đất nước do tác động của dịch Covid-19.

     Ba là, doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động, vì thế có thể có tác động tới sản lượng.

Kết luận

     Việt Nam được cân nhắc mức độ ổn định cao về tỷ giá, tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh. Tác động của dịch bệnh Covid - 19 khiến yêu cầu phải giảm bớt tiếp xúc giữa người với người cũng là thách thức đối với lực lượng lao động. Quy trình sản xuất công nghiệp đã, đang và sẽ được tái thiết kế để phù hợp tỷ lệ tự động hóa cao hơn. Do vậy, cơ hội việc làm sẽ dần mở rộng hơn đối với nhóm lao động có chuyên môn và kỹ năng cao hơn, đặc biệt là về mức độ hiểu biết và khả năng điều khiển máy móc. Đại dịch này càng khẳng định hơn nữa yêu cầu phải đảm bảo khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, phân tán rủi ro đồng đều hơn.

    Khủng hoảng dịch bệnh Covid - 19 đặt ra nhiều thách thức mới về đảm bảo an ninh việc làm. Việc xuất hiện dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn viễn cảnh và sự vận hành thông thường của cấu trúc sản xuất và thương mại toàn cầu, ít nhất trong ngắn hạn. Các thị trường tiêu thụ lớn đình trệ dẫn tới đứt gãy tạm thời trong chuỗi cung ứng, xảy ra cả ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thị trường lao động thời Covid -19 được đánh giá sẽ có tác động sâu rộng đến kết quả thị trường lao động. Ngoài những lo ngại cấp bách về sức khỏe của công nhân và gia đình họ, virus và các cú sốc kinh tế tiếp theo sẽ tác động đến việc làm. Cung lao động đang giảm vì các biện pháp cách ly và suy giảm hoạt động kinh tế.

     Mặc dù hầu hết các ngành nghề đã mở cửa trở lại, không phải ngành nghề nào cũng quay trở lại được như thời điểm trước dịch[1]. Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH[2] cho thấy, có 7,8 triệu lao động Việt Nam mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, trong khi 17,6 triệu lao động bị cắt giảm lương do đại dịch. Trong các lĩnh vực chính thức tại Việt Nam đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế chính, nhân công của ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải và du lịch) (72%) và sản xuất (67,8%) bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Tại thời điểm này, ước tính sơ bộ (tính đến ngày 10/3/2020) cho thấy, những người lao động bị nhiễm bệnh đã mất gần 30.000 tháng làm việc, với hậu quả là mất thu nhập (đối với những người lao động không được bảo vệ) (ILO, 2020). Tác động việc làm chủ yếu về tổn thất lớn về thu nhập cho người lao động. Những động thái ngắn hạn về chuyển dịch thương mại, sự dứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những rủi ro bất thường như thiên tại dịch bệnh đang tạo ra những thuận lợi cũng như khó khăn dài hạn về kinh tế và việc làm nói riêng.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Hoàng (2020), Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=400408. Ngày đăng 10/7/2020. Truy cập 23/10/2020.
  2. ILO (2020), Báo cáo nhanh COVID-19 và Việc làm: Tác động và Ứng phó. https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/ briefingnote/wcms_740946.pdf. Đăng ngày 18/3/2020. Truy cập 22/10/2020.
  3. Tổng cục Thống kê (2019a), Thông cáo báo chí Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. https://www.gso.gov.vn/su-kien/2019/12/thong-cao-bao-chi-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/. Ngày đăng: 19/12/2019. Truy cập ngày 20/10/2020.
  4. http://www.yenbai.gov.vn/lao-dong-viec-lam/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=254&l=TinHoatDong. Đăng ngày 1/7/2020. Truy cập ngày 20/10/2020.
  5. Tổng cục Thống kê (2020c), Báo cáo điều tra lao động việc làm quý I năm 2020. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/08/BC-LDVL-Quy-1.2020 finalf.pdf. Ngày đăng 29/3/2020. Truy cập ngày 20/10/2020.
  6. Tổng cục Thống kê (2020d), Báo cáo điều tra lao động việc làm quý II năm 2020. /upload/2002174/20210407/b2c89a6b4fa068dd01884bdfde2a61ddBCLDVL_Q2.2020_finalf.pdf. Ngày đăng 29/6/2020. Truy cập ngày 20/10/2020.
  7. Tống cục Thống kê (2020e), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/10/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2020/. Ngày đăng 6/10/2020. Truy cập ngày 20/10/2020.

[1] Thành công của Việt Nam trong khống chế COVID-19 - Hướng đi cho các quốc gia đang phát triển. https://www.imf. org/en/News/Articles/2020/06/29/na062920-vietnams-success-in-containing-covid19-offers-roadmap-for-otherdeveloping-countries

[2] 7,8 triệu người mất việc, nghỉ luân phiên do dịch bệnh - Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/7-8-trieu-nguoi-mat-viecnghi-luan-phien-do-dich-benh-20200629151855254.htm


Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương - Nguyễn Thị Hương Giang
Nguồn:Covid-19, Đại dịch và những vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững (Kỷ yếu Hội thảo khoa học) Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan