• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế phi nông nghiệp của hộ gia đình nông thôn tỉnh Bình Định

Nguyễn Đình Thành

Nguyễn Thị Phương Thanh

Tóm tắt: Nghiên cứu này có mục tiêu xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế phi nông nghiệp (PNN) của hộ gia đình ở khu vực nông thôn (KVNT) tỉnh Bình Định. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 360 hộ gia đình ở KVNT miền núi, ven biển, ven đô thị được lựa chọn trên địa bàn tỉnh Bình Định. Mô hình hồi quy hai bước Heckman được sử dụng để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động kinh tế PNN của hộ. Kết quả tìm ra 05 yếu tố có ý nghĩa thống kê: trình độ chuyên môn kỹ thuật của chủ hộ (CMKT), số lao động trong hộ, số người phụ thuộc trong hộ, hộ thuộc các nhóm đối tượng hộ nghèo/cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và vùng khảo sát có ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động PNN của hộ gia đình KVNT.

Từ khóa: Hộ gia đình; Nông thôn; Phi nông nghiệp.

Đặt vấn đề

        Kinh tế hộ gia đình, trong đó chủ yếu là kinh tế hộ gia đình nông dân, là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam (Xuân & Hiền, 2013). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế hộ gia đình ở KVNT cũng không ngừng phát triển cả về quy mô và hình thức. Mặc dù vậy, kinh tế hộ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như duy trì sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp; trình độ sản xuất còn thấp dẫn đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ hộ làm nông nghiệp năm 2016 chiếm 49,93% tổng số hộ ở KVNT (giảm 2,61% so với năm 2011); tỷ lệ hộ hoạt động kinh tế chính không phải là nông nghiệp chiếm 41,33% (tăng 0,49% so với năm 2011). Trong 5 năm, đã có sự dịch chuyển dần cơ cấu ngành nghề của lao động hộ nông thôn sang hoạt động PNN, tuy nhiên mức chuyển dịch là không đáng kể.

        Quá trình đô thị hóa cũng đặt ra yêu cầu phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (NN), nông thôn gắn với sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hiện đại, việc chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề của các hộ từ nông nghiệp sang PNN là tất yếu; đặc biệt tại những khu vực có điều kiện phát triển ngành nghề PNN như làng nghề truyền thống; nơi tập trung nhiều doanh nghiệp như: khu, cụm công nghiệp; nơi có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các ngành dịch vụ...Đó vừa là điều kiện, vừa là cơ hội để lao động của hộ ở KVNT có thể tham gia các nghề khác ngoài NN để gia tăng thu nhập, phát triển đời sống. Tuy nhiên, tập quán sản xuất, trình độ tư duy thuần nông của các hộ gia đình ở KVNT vẫn là những rào cản đối với việc tìm kiếm việc làm, duy trì hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh PNN theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phải xét đến sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương (CQĐP) và các tổ chức xã hội tại địa phương đối với việc khuyến khích phát triển kinh tế hộ ở KVNT.

Mặc dù khu vực kinh tế PNN được xem là có nhiều tiềm năng trong việc tạo ra việc làm, nhưng chiến lược và chính sách của Chính phủ chưa dành nhiều sự quan tâm đến việc đảm bảo tạo ra việc làm bền vững cho người lao động của các hộ KVNT. Các nghiên cứu về hoạt động kinh tế PNN ở Việt Nam nói chung và tại Bình Định nói riêng, mà đối tượng cụ thể là các hộ gia đình ở KVNT vẫn còn hạn chế.

       Nghiên cứu này phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ hoạt động kinh tế PNN của hộ gia đình ở KVNT có xem xét khả năng tham gia hoạt động kinh tế PNN của các hộ nhằm gợi ý các giải pháp chính sách về phát triển hoạt động kinh tế PNN, ngành nghề nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình ở KVNT. 

Chi tiết xin liên hệ bộ phận Tạp chí hoặc Bộ phận Thư viện:

Phụ trách Bộ phận Thư viện: Nguyễn Thị Đậm - ĐT: 0986534092 - Email: dam.sdin@gmail.com


Nguồn:Tạp chí Phát triển bền vững vùng số 1 năm 2021 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...