• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị “Lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng”

     Thực hiện Kế hoạch số 369-KH/TWĐTN-BTG ngày 02/07/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Kế hoạch 408-KH/TWĐTN-VNCTN ngày 05/10/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng; thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; nhằm phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ trong việc đóng góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng, sáng ngày 20/10/2015, tại hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Đoàn Viện Hàn lâm) phối hợp với Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị "Lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng"

    Hội nghị vinh dự đón tiếp PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đến tham dự và điều hành hội nghị. Hội nghị có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu Thanh niên…

    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nêu rõ, việc góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Dự thảo văn kiện) đã được triển khai trong toàn Đảng bộ Viện Hàn lâm. Ngoài ra, với tư cách là các nhà khoa học, cán bộ tại Viện Hàn lâm cũng thường xuyên công bố các bài liên quan đến những vấn đề đặt ra trong Dự thảo văn kiện trên nhiều tạp chí khoa học. Phó Chủ tịch Phạm Văn Đức hy vọng, tại Hội nghị này, với sự đặt hàng của Đoàn Viện Hàn lâm, từ góc độ chuyên môn của mình, các nhà nghiên cứu trẻ sẽ có nhiều đóng góp có ích cho Dự thảo văn kiện.

    Trong Báo cáo đề dẫn Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết: thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc thảo luận Dự thảo văn kiện và Quyết định của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các giới, các tổ chức chính trị-xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị, các hoạt động xin ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức được 12 hội nghị trong các đối tượng khác nhau. Hội nghị này được tổ chức nhằm xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trẻ về các nội dung cần góp ý cho Dự thảo Văn kiện.

    Hội nghị được nghe 10 tham luận: (1) “Một số thành tựu trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và kết quả 30 năm đổi mới (1986-2016)” do đ/c Đào Anh Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày; (2) “Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN” (ThS. Tạ Phúc Đường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); (3) “Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, lao động việc làm” (Trần Thị Loan, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); (4) “Những vấn đề về hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến quản lý xã hội” (ThS. Lê Thương Huyền, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); (5) “Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội” trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng”(ThS. Lê Mạnh Hùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); (6) “Tăng cường quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” (Thùy Mai, Bộ Tài nguyên và Môi trường); (7) “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” (ThS. Nguyễn Ngọc Ánh, Viện Xây dựng Đảng); (8) “Các nhiệm vụ của thanh niên gắn liền với các mục tiêu trong chiến lược phát triển và tạo bước đột phá về khoa học công nghệ” (TS. Vũ Anh Tài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); (9) “Phát triển văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn cách mạng mới và những vấn đề đặt ra” (ThS. Nguyễn Thị Tô Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); (10) “Một vài ý kiến trao đổi về bố cục và kỹ thuật viết dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XII” (Vũ Thị Bích Thảo, Viện Nghiên cứu Thanh niên).

    Các tham luận tập trung góp ý về các nội dung khác nhau của Dự thảo văn kiện. Về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ trẻ, nhiều báo cáo tham luận cho rằng, bồi dưỡng, phát triển cán bộ trẻ là nội dung rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cũng như đào tạo đội ngũ kế cận cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, nội dung dự thảo Văn kiện mới chỉ đề cập đến công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nói chung mà chưa đưa ra những quan điểm, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ khoa học trẻ. Đặc biệt, cán bộ khoa học trẻ công tác trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn còn chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ hiện nay cần thiết phải gắn liền với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả, hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy hết khả năng của mình, được rèn luyện và trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ và được phát triển trong tương lai.

    Về khoa học công nghệ, TS. Vũ Anh Tài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phải trên tinh thần hàn lâm khoa học, không bị ảnh hưởng, chi phối bởi tư tưởng quan liêu. “Phản biện xã hội” cũng cần được coi là một kênh quan trọng để phát triển tốt hơn khoa học công nghệ.

   Cùng với các tham luận được trình bày, Hội nghị đã được nghe 14 ý kiến góp ý, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của Dự thảo văn kiện, tập trung vào 4 vấn đề:

    (1) Đối với nhận định, đánh giá về thành tựu và kết quả của 30 năm đổi mới cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trong từng lĩnh vực, đề nghị Văn kiện đánh giá định lượng, sát hơn và nêu rõ, cụ thể những hạn chế liên quan đến từng lĩnh vực, từng chủ thể để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

    (2) Việc hoàn thiện thế chế, xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực về tài nguyên môi trường, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, quản lý xã hội, phát triển văn hóa cần được chú trọng trong Văn kiện.

   (3) Xác định đúng lợi thế về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, các giải pháp liên quan đến xây dựng con người trong thời kỳ mới.

    (4) Một số quan điểm liên quan đến vấn đề phát triển đất nước trong thời gian tới, cái gì là không thể đánh đổi, vấn đề môi trường đặt ở vị trí nào so với tương quan về phát triển kinh tế; xác định con người là động lực, là trung tâm của quá trình phát triển phải cụ thể hóa như thế nào…

    Bên cạnh đó, nhiều tham luận, ý kiến tại Hội nghị cũng đặt ra vấn đề làm thế nào để thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng để những nghị quyết, chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống; Dự thảo văn kiện cần phân biệt rõ chức năng của Đảng và chức năng của chính quyền; cần coi nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa là một nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ tới; chú trong vấn đề xây dựng và đồng bộ hóa hệ thống luật pháp; coi trọng việc phát triển các tài năng khoa học trẻ, trọng dụng nhân tài…

    Các ý kiến tại Hội nghị sẽ được tập hợp đầy đủ, chuyển Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn tổng hợp trình các cơ quan có liên quan./.


Nguồn:Đoàn Thanh niên Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan