• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh phòng chống "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong bối cảnh mới để phát triển bền vững

      Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Tăng cường xây dựng , chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…”. Sau ba năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, việc thực hiện Chỉ thị 05 tại Viện nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Chi bộ Viện; được đưa vào sinh hoạt định kỳ ở Chi bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng. Để triển khai thiết thực việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, Chi ủy Viện đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch với các nội dung hết sức cụ thể; trong đó, xác định rõ khâu đột phá. Do vậy, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được Chi ủy, Lãnh đạo Viện tập trung giải quyết triệt để; chọn khâu đột phá là tập trung quyết liệt đổi mới cách thức lãnh đạo, điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Chi bộ Viện. Trên tinh thần ấy, Chi ủy và Lãnh đạo Viện giới thiệu bài viết có một số nội dung sau:

  1. Một vài khía cạnh lịch sử và đương đại về cơ sở hình thành và

khuynh hướng của quá trình “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa”

      Có lẽ, chúng ta cần phải trở lại vấn đề của lịch sử nhưng vẫn đầy ắp tính thời sự trong cuộc đấu tranh hiện nay về phòng chống “tự diến biến” và “tự chuyển hóa”. Nó được biểu hiện và biến đổi theo các chiều hướng của thế giới đương đại. Bản chất của việc tạo ra hay thúc đẩy quá trình “Tự diễn biến” hay là “Tự chuyển hóa” là thủ đoạn tổng thể trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đó là:

      Thứ nhất: Những điểm mới của “Chủ nghĩa dân tộc” đang diễn ra tình trạng hội nhập và phân rã ở nhiều chiều cạnh, lĩnh vực có tính quốc tế và trong phạm vi quốc gia. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra sự liên kết và thống nhất về lợi ích của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia. Sự liên kết của các sắc tộc (tộc người) tạo ra mối liên kết “ngoài quốc gia”, góp phần gia tăng mạnh xu hướng hội nhập nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ sở xã hội cho chủ nghĩa dân tộc mở rộng mà xu hướng phân ly trên cơ sở của chủ nghĩa dân tộc gia tăng gay gắt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

    Dân tộc (tộc người) trong nhiều tập kỷ của nửa cuối thế kỷ trước vẫn tồn tại những trường phái khác nhau về các tiêu chí định tính và có lúc trở thành cuộc tranh luận kéo dài. Sau định nghĩa của Stalin về vấn đề dân tộc (tộc người), đã có một số quốc gia vận dụng tiêu chí này và dẫn đến không ít sai lầm trong hành động quốc gia trước bối cảnh chính trị thế giới trong cuộc chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đến nay thì vấn đề này được thống nhất cơ bản về mặt thuật ngữ khoa học và vận dụng trong thực tiễn. Những sai lầm như vừa nói đã được điều chỉnh. Từ đó, các cuộc tranh luận như trước đây hầu như không tồn tại. Một điều chắc chắn rằng, dân tộc khi phát triển và là cơ sở để hình thành nên một quốc gia như trong lịch sử nhân loại từ khởi nguyên. Nhưng lịch sử lại vận động phức tạp khi mà tộc người này thôn tính tộc người khác để mở rộng quốc gia thì giai đoạn quốc gia đa dân tộc đã trở nên phổ biến. Vì vậy, vấn đề dân tộc (tộc người) và đi cùng với nó là các bản sắc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ… trở thành vấn đề rất đáng quan tâm trong quá trình xây dựng ý chí thống nhất của quốc gia trên lộ trình phát triển độc lập. Sự khác biệt về văn hóa luôn luôn có xu hướng tạo ra “lực kéo” làm “giãn” ra dẫn đến tình trạng rạn vỡ mối quan hệ các tộc người trong một quốc gia nếu như lợi ích của thể chế chính trị không được điều hòa trong nội bộ đất nước. Chúng ta đã chứng kiến khá nhiều cuộc xung đột sắc tộc trên thế giới như vấn đề người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề người Ta Min ở Ấn Độ, người Xri Lan Ca hay như vấn đề Tây Tạng ở Trung Quốc, vấn đề  Cô Xô Vô… Như vậy, xung đột sắc tộc có vấn đề lịch sử văn hóa và có cả vấn đề chính trị.

     Thứ hai: Chủ nghĩa dân tộc tiến bộ là một thái độ chính trị tích cực. Nó tôn trọng bản sắc của văn hóa tộc người và phủ nhận thái độ cực đoan chính trị. Đó là nguyên tắc hòa hợp và chấp nhận trong xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, thái độ chính trị của bọn cực đoan âm mưu “Diễn biến hòa bình”, kích động “ly khai”… làm cho vấn đề dân tộc phức tạp chính là động cơ làm cho vấn đề dân tộc chuyển hóa và “Tự diễn biến”, gây nên xung đột sắc tộc làm cho tình hình trở nên phức tạp và hậu quả nặng nề chính là ý đồ của các thế lực thù địch cực đoan. Nếu như không cảnh giác và nhận diện rành rõ, có thể sa vào các mưu đồ đen tối của chúng.

     Thứ ba: Chủ nghĩa dân tộc là một sản phẩm của lịch sử. Nó luôn luôn có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển chung của nhân loại. Nhưng một khi bị lợi dụng thì nó sẽ đẻ ra sự phân biệt chủng tộc, sự không chấp nhận những yếu tố và tồn tại từ bên ngoài. Biện chứng của lịch sử và sự vận động của loài người là quá trình đan xen giữa các tộc người của một quốc gia - dân tộc. Hội nhập và giao thoa văn hóa sẽ làm cho vấn đề biên giới quốc gia chỉ có ý nghĩa về chính trị và hành chính. Văn hóa và văn minh có thể ở cùng một thời điểm, một điều kiện nhận thức và tiến bộ của nhân loại có thể có cùng những sản phẩm văn hóa, văn minh giống nhau, mặc dù chủ thể của nó ở cách xa nhau. Bọn tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ không chấp nhận điều đó mà chúng cho rằng có dân tộc văn minh và có dân tộc hạ đẳng. Từ đó, gây nên xung đột dân tộc và tự thân các dân tộc không hề muốn có chiến tranh. Bản chất nhân văn của loài người là chung sống vì hòa bình và mưu cầu hạnh phúc.

    2. Xu hướng và khuynh hướng biến đổi của chủ nghĩa dân tộc

     - Theo nhiều nhà nghiên cứu thì sau chiến tranh Lạnh, tương quan lịch sử thế giới có sự thay đổi. Những “vết rạn” trong cấu trúc chính trị quốc tế bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây nên bắt đầu tạo ra những cơ hội cho xung đột và mâu thuẫn dưới một hình thái khác. Thế giới hai cực là khe hở cho mâu thuẫn về sắc tộc, về tôn giáo và văn hóa tộc người bị lợi dụng đào sâu thêm. Tôn giáo và sắc tộc như là một vùng “nhạy cảm” của nhân loại. Nếu chính trị cực đoan khi kích động vào vùng nhạy cảm này thì sẽ tạo ra những sự đối đầu. Đằng sau sự kích động đó là âm mưu để gây nên mối bất hòa có tính toàn cầu. Từ đó, những mưu toan phân phối lại quyền lực và lợi ích về tài nguyên nảy sinh. Bất cập và thách thức nổ ra từ sự đối lập nhau về các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo trở nên quyết liệt. Nhiều cuộc cách mạng “Màu” đã làm biến đổi thể chế chính trị, làm thay đổi quyền lực và lợi ích của các quốc gia bị lôi vào “vòng xoáy” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó chính là hợp lực được tạo ra, “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa” diễn ra làm cho không ít quốc gia bị tan rã và từ bỏ lợi ích của dân tộc.

    - Khuynh hướng từ chỗ gây ra những ảnh hưởng văn hóa dưới danh nghĩa giao lưu và hội nhập, nhưng nếu vô nguyên tắc sẽ làm cho văn hóa phương Tây trở thành chủ lưu, áp đảo. Truyền thống và bản sắc bị phai nhạt, bị bỏ rơi. Các chuẩn mực lâu đời của một quốc gia dân tộc bị coi nhẹ, văn hóa bá quyền phương Tây sẽ áp đặt lên đó. Nếu không bảo tồn bản sắc và giữ gìn nó như một chuẩn mực xã hội thì nguy cơ là tất yếu. Và như vậy, “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa” là tất yếu.

    - Lịch sử xâm lăng và bành trướng của chủ nghĩa Thực dân cũ và chủ nghĩa đế quốc là dựa vào sức mạnh kinh tế để chi phối và tạo ra sự lệ thuộc đối với các quốc gia kém phát triển. Hình thức tạo áp lực, gây ảnh hưởng của các nước lớn đối với những đất nước kém phát triển trong nhiều trường hợp bắt đầu bằng viện trợ kinh tế. Từ đó, gây ảnh hưởng và áp đặt về chính trị dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền. Kinh tế và dân chủ, nhân quyền là những cái “vốn” mà các thế lực thù địch, đứng đầu là Mỹ thường dùng để làm cho các quốc gia - dân tộc “Tự diễn biến “ và “Tự chuyển hóa”, nhưng thực chất là phụ thuộc và lệ thuộc, dẫn đến tự thừa nhận thế lực đến từ bên ngoài đất nước. Nhiều quốc gia bỗng chốc đánh mất lịch sử và vị thế của cả một dân tộc trong quá trình tạo dựng bằng xương máu và mồ hôi nhân dân qua hàng thế kỷ.

    - Thập kỷ 90 thế kỷ XX chúng ta từng chứng kiến những biến động to lớn, “xé nhỏ” các quốc gia mà nguyên nhân xuất phát từ sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ly khai. Nhất là từ khi Đông Âu tan rã, phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Liên Xô giải thể. Khác biệt tôn giáo giữa người Secbi theo Chính thống giáo, người Croatia theo Công giáo và người Bosnia theo Hồi giáo và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã góp phần vào sự sụp đổ của Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam tư vào năm 1992. Xu hướng ly khai dân tộc vẫn đang tồn tại và chưa có dấu hiệu hòa hợp khả quan trên tất cả các khu vực hay vùng lãnh thổ. Vấn đề dân tộc đang bị các thế lực thù địch ly khai khai thác triệt để, làm nảy sinh những bất ổn và diễn biến khó lường. Như ở Châu Phi và Trung Đông “Mùa Xuân Ả Rập vẫn đang tiếp diễn. Các khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương như Myanmar, Philippin, Inđônêxia và Nam Thái Bình Dương vẫn tồn tại các phong trào đòi độc lập dân tộc. Ở Thái Lan, xung đột giữa miền Bắc và miền Nam với sự trỗi dậy của phong trào những người “Áo Đỏ” tuy có lắng dịu đôi chút, nhưng vẫn tiềm tàng bất ổn chính trị… là những ví dụ về đời sống chính trị thế giới và khu vực.

    3. Một số vấn đề về dân tộc và tôn giáo trước cuộc đấu tranh phòng chống “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa” hiện nay ở nước ta

    Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta thấy rằng Việt Nam không có hoặc tiềm ẩn không lớn nguy cơ ly khai dân tộc. Bởi trong lịch sử hình thành quốc gia thì Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và hầu hết là cư trú đan xen. Các tộc người ở Việt Nam là một cộng đồng thống nhất, có truyền thống đấu tranh chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Tỷ lệ số dân các dân tộc không đồng đều, cư trú phân tán và đan xen nên mối giao kết đã thành truyền thống. Việt Nam chưa bao giờ có nội chiến, xung đột dân tộc hay bạo loạn chính trị mang màu sắc tôn giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh cụ thể của đất nước, các vấn đề nêu trên vẫn tiềm ẩn, tiềm tàng và cũng có lúc các thế lực phản động lợi dụng làm tổn thất đến tình đoàn kết dân tộc và làm tổn hại đến các thành quả của Đảng và Nhân dân ta.  

    4. Các vùng dân tộc, miền núi nước ta và sự tiềm ẩn nguy cơ “Tự chuyển hóa”, “Tự diễn biến”

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta được nhắc đến và Nhà nước phân vùng đặc thù gồm có Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Mỗi vùng đều có những đặc điểm về địa chính trị, địa văn hóa khác nhau, nhưng hai đặc điểm điển hình cho các vùng này là: i) Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là cư dân bản địa, chiếm số đông trong cơ cấu dân cư. Về văn hóa tương đối thuần nhất, tính bản địa cao; ii) Là vùng chậm phát triển và là những vùng khó khăn nhất về kinh tế, mức hưởng thụ về văn hóa và các thành tựu. Do đó sự đa dạng về tôn giáo cũng có ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động tôn giáo tại các địa phương của vùng và nhiều khi tiềm ẩn các nguy cơ có thể có những xung đột về tôn giáo xảy ra và điều này sẽ gây nên các bất ổn về an ninh – chính trị và trật tự an toàn của địa phương.

    5. Phòng và chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” để phát triển bền vững 

    Phân tích khái lược và nêu ví dụ trên đây để thấy rằng, vấn đề “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa”  không chỉ có vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trái lại, kẻ thù của chúng ta còn mang nhiều “gương mặt” khác rất tinh vi. Những khái niệm và từ ngữ rất êm thuận, nhưng lại là những “viên đạn bọc đường” thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh. Đối tượng mà bọn thù địch hướng tới cũng rất đa dạng, từ lứa tuổi thiếu niên trường học đến thanh niên và các tầng lớp xã hội. Có nhiều cách biến tướng để ngay cả trong từng cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý từ thấp đến cao cũng tự “diễn biến” nếu mất cảnh giác hoặc thiếu kiến thức và không có “vũ khí” chống đỡ. Trong bản thân mỗi con người trước sự biến động xã hội đều có thể “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” làm cho mình không còn là mình nữa. Đó cũng là một loại nguy cơ cần cảnh giác.

    Giải pháp phòng và chống các nguy cơ “tự diến biến”, “tự chuyển hóa”, cần phải có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, nhưng tập trung vào biện pháp ngăn ngừa, triệt tiêu các yếu tố “gốc”, yếu tố “nguyên nhân” hình thành “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.

    Bài viết đề xuất một số giải pháp như sau:

    Thứ nhất, phải nhận thức và thực hiện đúng đắn, sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Đảng vào thực tiễn trong cuộc đấu tranh chống “Diễn biến” và “Chuyển hóa” mà chúng ta đang phải thường xuyên đối mặt. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống âm mưu của các lực lượng thù địch. Đặt ra những tình huống có thể xảy đến một cách chủ động và giải các “bài toán” có thể xảy ra. Luôn luôn đặt mình trong tình thế chủ động trong mọi tình huống. Phải nhận thức rằng, bọn thù địch sẽ không từ một hành động nào, kể cả biện pháp quân sự và chiến tranh khi có cơ hội. Địa bàn mà lực lượng thù địch thường hướng định đến là vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn và trình độ dân trí còn thấp. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế vững chắc và sức đề kháng trong cộng đồng trước mọi mưu mô của lực lượng thù địch. Nâng cao năng lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng trình độ và năng lực công tác thực tiễn, công tác dân vận, nắm địa bàn, bám dân của đội ngũ cán bộ cơ sở trong mọi lúc mọi nơi. Đội ngũ cán bộ cơ sở phải là những người mẫn cán, biết chung sức chung lòng với dân, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân.

    Vận dụng tốt nhất các phương thức đấu tranh, phòng ngừa trước hết là biện pháp chính trị. Khi xảy ra tình trạng bạo loạn, ly khai phải kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, chủ động trấn áp và đánh đúng lúc, đúng đối tượng, đánh trúng bọn đầu sỏ, chủ mưu để dứt điểm nhanh, không để kéo dài tình trạng bất ổn về chính trị xã hội.

    Thứ hai, tập trung xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở đủ mạnh. Hệ thống chính trị cơ sở là cầu nối trực tiếp giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân, là bộ máy để thực thi các chủ trương chính sách vào thực tiễn; đồng thời là bộ phận phản ánh cho Đảng và Nhà nước tất cả các phản ứng chính sách và chủ trương, là cầu nối từ lý luận đến thực tiễn cách mạng. Hơn thế, từng cán bộ, từng tổ chức chính trị cơ sở là gương mặt, là niềm tin là chỗ dựa của dân trong tất cả các diễn biến trong thực tiễn cách mạng. Vậy nên, cấp cơ sở phải được coi trọng đúng mức, phải có đủ năng lực và phẩm chất để vì dân, cho dân; phải phục vụ được nhân dân và được dân tin cậy ủy thác. Muốn được như vậy, Đảng và Nhà nước cần phải có lộ trình đào tạo cán bộ cơ sở, phải có những ưu tiên ưu đãi đặc thù nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đặc biệt cần khắc phục tư tưởng về bố trí cán bộ cho cơ sở là những người “làng nhàng”, những người chỉ “luân chuyển” một thời gian rồi biết trước là sẽ đi chỗ khác, nơi khác, vị trí khác… thành ra tạo nên một lực lượng không sâu sát, không quyết liệt, chỉ làm chiếu lệ, qua loa, không gắn bó với cơ sở. Có đội ngũ cán bộ cơ sở như ý thì phải thường xuyên nâng cao năng lực hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Tổ chức cơ sở Đảng là bộ óc của cơ sở, phải nắm vững địa bàn, nắm vững dân, nắm vững thực tiễn để có những quyết sách cụ thể cho riêng địa phương mình, cộng đồng dân cư mà mình được nhận lãnh trách nhiệm quản lý, điều hành và định hướng. Tổ chức cơ sở đảng đủ mạnh cũng sẽ tạo ra hiệu quả về điều hành, gắn kết điều hành lãnh đạo các tổ chức quần chúng, tập hợp sức mạnh của quần chúng. Các tổ chức quần chúng vừa là tai mắt, vừa là cánh tay nối dài và bao quát sự quản lý, điều hành của đảng và chính quyền, là nơi nói dân dễ nghe theo, tin theo nên không được coi nhẹ.

   Thứ ba, tập trung phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả và bền vững cho nhân dân. Bằng cách nắm vững các đặc thù của địa phương về tự nhiên xã hội và dân cư, tổ chức đảng và chính quyền, đoàn thể xã hội phải tập trung vào việc phát triển kinh tế. Ổn định kinh tế là cơ sở ổn định chính trị. Làm sao để đồng bào sống được trên quê hương, trên mảnh đất tự ngàn xưa cha ông họ đã sống và tạo lập nên cộng đồng qua nhiều thế hệ. Đây là việc làm thiết thực, hữu hiệu để tạo sức đề kháng trước mọi âm mưu của bọn thù địch chống phá sự nghiệp của chúng ta. Muốn phát triển kinh tế, trước hết phải tập trung giải quyết các khâu căn bản về đất ở và đất sản xuất cho đồng bào. An cư mới lạc nghiệp. Đó là một nguyên tắc không được coi nhẹ. Kinh tế khá, người dân bản địa sẽ không thấy bị o ép, bị mất bình đẳng với các dân tộc khác. Từ đó, những nội dung truyền thống trong văn hóa cộng đồng có cơ hội được bảo lưu và phát triển, tinh thần và dân trí được nâng cao, văn hóa không bị gián đoạn, đứt gãy.

    Thứ tư, vùng đồng bào DTTS, miền núi và biên giới là vùng xung yếu. Vậy nên phải tập trung xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Có lực lượng phòng thủ vững chắc sẽ tạo ra thế và lực cho vùng miền, tránh được xung yếu và các điểm “võng” trong mối liên kết. Kẻ thù sẽ không dám nuôi dưỡng ý đồ hoặc ý đồ gây ra các quá trình “diễn biến” sẽ phải suy giảm. Quân đội, công an, dân quân tự vệ, đặc biệt là cán bộ chính quyền, luôn luôn phải là lực lương bảo vệ trung thành nhất thành quả cách mạng, bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Trong bối cảnh có nhiều phức tạp và nguy cơ diễn biến, tác động làm cho diễn biến phát sinh và lan tỏa thì quân đội và công an sẽ phải là lực lượng nòng cốt, đủ mạnh, đủ tỉnh táo và nhạy bén phát hiện âm mưu và khi tình huống xảy ra là có thể nhanh chóng giải quyết triệt để.

    Như vậy, có thể thấy rất rõ các âm mưu làm cho một quốc gia “Diễn biến”, “Tự diễn biến” và “chuyển hóa” là âm mưu thường trực của các thế lực thù địch. Mục tiêu cuối cùng của chúng là vấn đề tài nguyên và lợi ích. Nó tạo ra chênh lệch về lực lượng, về thế mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Tạo ra ly khai để thôn tính và điều chỉnh theo ý đồ của các thế lực chính trị thế giới. Chúng ta hội nhập để phát triển nhưng phải xây dựng đầy đủ ý thức, năng lực và cả kinh tế, văn hóa và quốc phòng để phát triển bền vững. Đó là sứ mệnh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng mà mục tiêu cách mạng đã đặt ra rất rõ trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Từ những vấn đề đã trình bày trên, Chi bộ Viện cần phải gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)[1]. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ngược lại, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng là thể hiện sinh động việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Từ nhận thức trên, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Chi bộ Viện luôn gắn triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

 

Tài liệu tham khảo                                                                             

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
  3. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII).

 


[1] Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” và “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái, bao gồm: 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên trong Đảng có thể tự soi mình vào 27 biểu hiện đó, để có định hướng tự sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phát huy ưu điểm; đồng thời, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Từ đó, với quan điểm, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống”; trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Chi bộ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng


Nguồn:Chi bộ Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan