• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới

PGS.TS. Hà Đình Thành và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Đồng chủ biên)

Năm xuất bản: 2020

Số trang: 390

     Là vùng đất có nhiều lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên và văn hóa dân tộc, với tổng điện tích tự nhiên gần 55 nghìn km(chiếm 16,51% diện tích cả nước), dân số chiếm 6,1% dân số cả nước, tuy nhiên sau gần 35 năm tiến hành Đổi mới, Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất cả nước, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng kinh tế của Tây nguyên giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào, đối với các yếu tố về công nghệ và thể chế đóng góp rất hạn chế. Bên cạnh đó, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của Tây Nguyên, song việc sản xuất vẫn phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên hơn là yếu tố đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học và công nghệ. Để tạo được sự bứt phá cũng như tận dụng những lợi thế của vùng, trên cơ sở thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các tỉnh Tây nguyên đã xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa Tây Nguyên phát triển bền vững.

     Theo các chuyên gia, cần thiết phải tạo nền tảng cho hệ thống đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ nguồn… trong đó nhấn mạnh đến chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ để tạo sức mạnh cộng hưởng mới cho tăng trưởng trên cơ sở lựa chọn mô hình công nghệ phù hợp với đặc thù của vùng Tây Nguyên. Cuốn sách chuyên khảo “Chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới” do PGS.TS. Hà Đình Thành, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2020 sẽ luận giải những vấn đề trên, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực Tây Nguyên. Cuốn sách là sản phẩm nâng cao của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: “Giải pháp chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới” thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016- 2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, Mã số: KH&CN-TN/16-20 (Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020), do PGS.TS. Hà Đình Thành làm Chủ nhiệm đề tài.

    Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

    Chương 1. Cơ sở lý luận về chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ

   Trong chương này, nhóm tác giả đề cập tới một số khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu đồng thời chỉ ra những đặc điểm cơ bản của đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Phân tích các yếu tố tác động đến đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, nghiên cứu cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến cả tiêu dùng, sản xuất và giá cả, nó mở ra cơ hội cho quốc gia nào biết tận dụng, phát triển đúng trọng tâm bởi công nghệ thông tin có khả năng làm thay đổi nền sản xuất thế giới. Bên cạnh đó, yếu tố về khung pháp lý, chính sách và thể chế đối với đổi mới có ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trên cơ sở thể hiện quan điểm, định hướng, công cụ, phương tiện, mục tiêu và các giải pháp từ phía nhà quản lý. Ngoài những yếu tố trên, một số yếu tố tác động khác cũng được nhóm tác giả phân tích chi tiết như: toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; xu hướng chuyển giao công nghệ; chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng…Đề cập đến vai trò của đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới đối với sự phát triển của quốc gia, nhóm tác giả đã tập trung phân 4 vai trò cơ bản sau: (i) giúp giảm khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia; (ii) tạo ra những việc làm mới; (iii) tạo ra các thị trường mới; (iv) góp phần giải quyết các thách thức của xã hội. Và để đo lường hiệu quả các chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần phải dựa trên một bộ chỉ báo bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau, tuy nhiên tùy vào cách tính toán và lựa chọn tiêu chí khác nhau thì kết quả đánh giá, xếp hạng cũng có thể  khác nhau giữa các chỉ số.

    Chương 2. Chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên

   Trên cơ sở phân tích thực trạng chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên, các tác giả nhận thấy trình độ quản lý và quản trị tri thức là nhân tố tác động mạnh nhất đến chính sách đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, trong khi đó các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là những yếu tố có tác động nhưng ở mức thấp. Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu, có nhiều khó khăn khi thực hiện đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, tuy nhiên vấn đề về vốn, tài chính vẫn là những khó khăn cơ bản trong việc triển khai các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Cùng với những nội dung trên, nhóm tác giả tập trung đánh giá mức độ hoàn thiện của chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên đồng thời chỉ ra những rào cản và hạn chế của chính sách đối với đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên.

    Chương 3. Thực trạng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên

   Trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích 4 nội dung chính sau: (i) Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở Việt Nam; (ii) Thực trạng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên; (iii) Mô hình kinh doanh mới, hiện đại tiêu biểu vùng Tây Nguyên; (iv) Thực trạng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên qua kết quả khảo sát. Nhóm tác giả khẳng định, trình độ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Tây Nguyên còn khoảng cách tụt hậu xa so với cả nước bởi lẽ Tây Nguyên luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các vùng khác mặc dù đã chú trọng vào khoa học và công nghệ; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở nhóm cuối bảng xếp hạng; nền kinh tế cũng như khoa học và công nghệ đang phát triển chậm chạp. Để lý giải điều này, nghiên cứu đã chỉ ra những điểm yếu và hạn chế chủ yếu trong hệ thống như sau: Thứ nhất, mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp ở các địa phương còn yếu; Thứ hai, các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) đầu tư cho khoa học và công nghệ của các địa phương vùng Tây Nguyên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; Thứ ba, thiếu các hướng ưu tiên trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; Thứ tư, sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế

    Chương 4. Quan điểm và giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ơ vùng Tây Nguyên

    Dựa trên một số quan điểm định hướng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên, nhóm tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy, khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây nguyên, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững của vùng: Thứ nhất, nhóm giải pháp vĩ mô ở tâm quốc gia để tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ ở vùng Tây Nguyên; Thứ hai, nhóm giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở vùng Tây Nguyên; Thứ ba, nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào các lợi thế đặc thù của Tây Nguyên.

    Đây là công trình nghiên cứu công phu đầy tâm huyết của tập thể tác giả thể hiện qua việc kế thừa các nghiên cứu đi trước, các số liệu điều tra chi tiết và đáng tin cậy tại địa bàn nghiên cứu của nhóm nghiên cứu cùng những phân tích, lập luận xác đáng giúp độc giả có cái nhìn từ khái quát đến chi tiết về chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ tại khu vực Tây Nguyên. Hy vọng với những nội dung trên, cuốn sách đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!


Nguồn:Sách có trong thư viện - Sẵn sàng phục vụ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...