• Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến đổi văn hóa trong phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ

Đinh Văn Thụy

Hoàng Thị Quyên

Tóm tắt: Gustave Le Bon nhà xã hội học, tâm lý học người Pháp chỉ ra rằng “mặc dù tính cố định là một trong những đặc tính tinh thần của các chủng tộc nhưng tính biến đổi mới là quy luật chung chứ không phải tính cố định” (Gustave Le Bon, 2015, tr.29). Bài viết tập trung phân tích biến đổi văn hóa trong phát triển đô thị vùng Tây Nam Bộ thông qua hai chiều cạnh biến đổi chính là: 1) Biến đổi trong cách thức tổ chức đời sống cộng đồng; 2) Biến đổi văn hóa tổ chức đời sống cá nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy người dân vùng Tây Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa bên cạnh việc thay đổi các đặc trưng văn hóa xưa cũ, họ vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Tây Nam Bộ truyền thống như tính cố kết cộng đồng, trọng tình nghĩa, tính thoáng mở.

Từ khóa: Biến đổi văn hóa; Phát triển đô thị; Tổ chức đời sống.

1. Biến đổi văn hóa - Khái niệm và cách thức đo lường

Khi nói đến biến đổi các nhà nghiên cứu thường đề cập đến những thay đổi, những khác biệt có thể quan sát và cảm nhận được của sự vật, sự việc trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó khi nói đến biến đổi xã hội, Xã hội học coi đó là “một quá trình xã hội về những thay đổi trong cơ cấu của một hệ thống xã hội” (Gunter Endruweit và Gisela Trommsdorff, 2002, tr.27). Tuy nhiên, “không phải bất kỳ một thay đổi hay một sự khác biệt nào về cấu trúc xã hội cũng được coi là biến đổi xã hội. Một sự thay đổi phải đạt tới ngưỡng phân sai tức là đạt tới ngưỡng nhận biết được sự khác biệt, sự phân hóa giữa trạng thái trước và trạng thái sau của sự vật, hiện tượng mới có thể được gọi là sự biến đổi.” (Lê Ngọc Hùng, 2015, tr.2). Do đó khi đo lường sự biến đổi người ta thường chỉ ra sự khác biệt, sự phân hóa của các sự vật, hiện tượng theo những mốc thời gian nhất định, nghĩa là nó phải có mốc thời gian và có những khác biệt được xét theo các tiêu chí nhất định nào đó. Chuyển ngữ theo cách hiểu của nhóm tác giả thì biến đổi văn hóa là một khía cạnh của biến đổi xã hội ở cấp vĩ mô nó thể hiện ở “sự biến đổi cấu trúc của hệ giá trị trong đó có các giá trị cũ bị vượt qua hoặc bị loại bỏ, một hệ giá trị mới xuất hiện” (Lê Ngọc Hùng, 2015, tr.12).

Cho đến nay, có rất nhiều cách tiếp cận và các định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng để đo lường, đánh giá các chiều cạnh của biến đổi văn hóa, chúng tôi sử dụng định nghĩa về văn hóa được UNESCO đưa ra trong “Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa”, theo đó “Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn bao gồm cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin” (UNESCO, 2001; Viện thống kê UNESCO (UIS), 2009, tr.9). Sở dĩ chúng tôi chọn định nghĩa văn hóa theo cách tiếp cận của UNESCO bởi định nghĩa này có liên hệ mật thiết với cách thức mà các cộng đồng xác định bản sắc của mình (bản sắc văn hóa là “những cái riêng, cái khác biệt đa dạng của các nền văn hóa của các cộng đồng, các tộc người, các quốc gia dân tộc do các thành viên của nó sáng tạo ra.” (Phạm Minh Hạc, 2012, tr.202). Những đặc trưng hay bản sắc về văn hóa theo định nghĩa này có thể đo lường được, mặc dù có một số cấu phần không phải lúc nào cũng đo lường được một cách trực tiếp như niềm tin và giá trị, nhưng chúng ta có thể đo được các thói quen và hành vi liên quan. Vì thế, chúng ta có thể đánh giá các đặc trưng hay sự biến đổi bản sắc văn hóa thông qua việc xác định và đo lường hành vi và tập quán được sinh ra từ niềm tin và các giá trị của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội.

Khi đo lường đánh giá biến đổi văn hóa, dựa vào định nghĩa văn hóa của UNESCO đã được trích dẫn ở phần trên, cũng như dựa vào cách tiếp cận phân mảng văn hóa của Trần Ngọc Thêm, chúng ta có thể xác định sự biến đổi văn hóa thông qua một số chiều cạnh cơ bản bao gồm: 1) Biến đổi phương thức sản xuất trong đó có tập quán sản xuất và các hình thức hợp tác trong lao động, sản xuất; 2) Những biến đổi trong cách thức tổ chức cộng đồng được thể hiện thông qua các quan hệ xã hội cơ bản như: Quan hệ gia đình, dòng họ; Tính cố kết cộng đồng. 3) Biến đổi trong văn hóa tổ chức đời sống cá nhân bao gồm các tín ngưỡng, tôn giáo, một số phong tục tập quán cơ bản liên quan đến hôn nhân và văn hóa giao tiếp thể hiện trong nghệ thuật ngôn từ. Trong khuôn khổ của bài viết này tác giả chỉ tập trung mô tả sự biến đổi văn hóa ở khía cạnh những biến đổi trong cách thức tổ chức cộng đồng và biến đổi trong văn hóa tổ chức đời sống cá nhân. Mặc dù các khía cạnh được sử dụng để đo lường biến đổi văn hóa nêu trên chưa bao hàm toàn bộ nội hàm của khái niệm văn hóa, tuy nhiên nó phản ánh những đặc trưng cơ bản nhất để có thể thấy được bản sắc văn hóa của một công đồng dân cư nhất định.

Số liệu được sử dụng trong bài viết lấy từ kết quả điều tra năm 2020 với mẫu nghiên cứu là 1798 người dân khu vực đô thị vùng Tây Nam Bộ của đề tài cấp Nhà nước: “Tác động xã hội trong phát triển đô thị Vùng Tây Nam Bộ” mã số: ĐT/14-19/X14 do PGS. TS. Phạm Minh Anh làm chủ nhiệm. Bên cạnh đó, bài viết cũng sử dụng số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê và các dữ liệu khác được tổng hợp thông qua phương pháp phân tích tài liệu.

----------------------

Bài đăng trên Tạp chí Phát triển bền vững Vùng số 2(2021).

(Tham khảo thông bài viết xin liên hệ trực tiếp:

- Bộ phận Tạp chí Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

- Bộ phận Thư viện Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng

Địa chỉ: Tầng 8. Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Nhân viên Thư viện: Nguyễn Thị Đậm (ĐT: 0986534092, Email: dam.sdin@gmail.com)


Nguồn:BBT Tạp chí Phát triển bền vững Vùng Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...